Hụt thu từ mảng môi giới, lợi nhuận của chứng khoán Bản Việt "bốc hơi" 30%
Chứng khoán Bản Việt - VCSC (HoSE: VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu hoạt động sụt giảm 11% so với cùng kỳ và đạt gần 406 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu của VCSC, hoạt động môi giới của công ty ghi nhận chỉ 121 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm trước do thị trường chứng khoán giai đoạn này trầm lắng, giá trị giao dịch giảm mạnh so với cùng kỳ.
Báo cáo tài chính quý II/2019 của VCSC
Lãi từ các khoản chu vay và phải thu của VCSC cũng giảm 19% xuống 77,4 tỷ đồng. Tư vấn đầu tư chứng khoán giảm 6,5%, mang về 2,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, khoản lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng mạnh từ 20 tỷ đồng lên thành 185 tỷ đồng do công ty đã thực hiện hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư. Lãi từ bán các tài sản tài chính FVTPL cũng tăng mạnh hơn gấn 2 lần cùng kỳ và mang về cho doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phương hơn 180 tỷ đồng.
Hoạt động khác và hoạt động tư vấn tài chính lần lượt tăng trưởng 41% và 17% lãi trong kỳ.
Kỳ này, chi phí hoạt động và chi phí quản lý đều tăng mạnh 35% và 99,7%, trong khi chi phí tài chính giảm 51%. Kết quả, lợi nhuận của VCSC báo lãi 171 tỷ đồng trước thuế và gần 140 tỷ đồng sau thuế, sụt giảm trên dưới 30% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động đạt 772,8 tỷ đồng, giảm 25%. Lợi nhuận trước thuế gần 420 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 342 tỷ đồng, giảm 35% so với 6 tháng đầu năm 2018.
Năm 2019, công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng đặt mục tiêu doanh thu hoạt động 1.653 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự tính 850 tỷ đồng, lần lượt giảm 9,3% và 16% so với con số thực hiện năm 2018. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế được đặt ra 680 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng VCSC đã thực hiện được 50% kế hoạch mục tiêu của năm 2019.
Trong năm 2018, Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng ghi nhận sự bứt phá kỷ lục, với doanh thu hơn 1,82 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 1 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 820 tỷ đồng.
Chứng khoán Bản Việt của bà Phượng thậm chí còn bất ngờ vươn lên vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong quý IV/2018 với 17,04% thị phần, vượt qua Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng (SSI 15%).
Tính đến hết quý II/2019, tổng tài sản của VCSC đạt 6.187 tỷ đồng, giảm 5% xuống 6.187 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh 52% xuống 546,6 tỷ đồng. Khoản mục FVTPL tăng từ 425,3 tỷ đồng lên thành gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, công ty đang cầm lượng cổ phiếu SCR trị giá 138,5 tỷ đồng, 174,8 tỷ đồng cổ phiếu KDH, 84,7 tỷ đồng cổ phiếu HPG, 95,5 tỷ đồng cổ phiếu VNM.
Các khoản cho vay tăng tăng từ 2.791,6 tỷ đồng lên thành 3.013,5 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm nhẹ từ mức 3.643 tỷ đồng xuống chỉ còn 3.498 tỷ cuối tháng 6/2019. Nợ phải trả 2.689 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng vẫn chiếm tới 77% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Trong đó, vay ngắn hạn hơn 1.000 tỷ đồng, tăng so với 985 tỷ đầu năm.
Mới đây, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng cũng đã công bố thông tin về kết quả đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo đó, hai tổ chức là CTCP Hàng không VietJet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và CTCP Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã chi gần 400 tỷ đồng để sở hữu trái phiếu không chuyển đổi của VCI.
Cụ thể, trong đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi mới đây, Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng đã phát hành là 50.000 trái phiếu với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu phát hành theo mệnh giá là 500 tỷ đồng. Lãi suất danh nghĩa và lãi suất phát hành thực tế cùng trong khoảng 6-8,2%/năm. Trái phiếu có kì hạn 2 năm.
Bà Nguyễn Thanh Phượng là cổ đông sáng lập và hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCI). (Ảnh minh hoạ)
Kết quả, các nhà đầu tư trong nước mua 490 tỷ đồng trái phiếu trong đợt phát hành phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt.
Nổi bật trong đó là Công ty CP Hàng không Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã đầu tư 350 tỷ đồng để mua 70% lượng trái phiếu phát hành, còn Công ty CP Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng đầu tư 37 tỷ đồng để sở hữu 7% lượng trái phiếu phát hành.
Còn các nhà đầu tư cá nhân trong nước mua lượng trái phiếu phát hành có giá trị 103 tỷ đồng, tương đương 21%, các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mua 10 tỷ đồng còn lại, tương đương 2%.