Không riêng Nhà Trắng, chuyên gia cũng mất niềm tin vào số ca nhiễm virus corona tại Trung Quốc
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới cho hay nhóm chuyên gia thực địa vừa trở về từ Hồ Bắc - tâm chấn dịch virus corona tại Trung Quốc kết luận rằng đỉnh dịch là khoảng thời gian 23/1-2/2, và cho đến nay dịch bệnh đã dần được kiểm soát.
Kết luận này ngay lập tức làm rộ lên nghi vấn trong giới chuyên gia rằng liệu đó có thực sự là đỉnh dịch virus corona, và những dữ liệu từ Trung Quốc liệu có đáng tin. Nhất là khi các báo cáo cho thấy hôm 12/2, số ca nhiễm virus corona được báo cáo tại Trung Quốc vẫn tăng vọt 9 lần lên 14.840 ca nhiễm virus corona mới trong một ngày.
Những báo cáo chỉ ra rằng Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ít nhất 6 lần sửa đổi những hướng dẫn phân loại, chẩn đoán và thống kê bệnh nhân nhiễm virus corona kể từ hôm 22/1 đến nay. Hai trong số các điều chỉnh được áp dụng sau ngày 12/2 đã làm thay đổi đáng kể số ca nhiễm virus corona được báo cáo.
Cụ thể, khi dịch bệnh lần đầu tiên bùng phát tại Vũ Hán vào 2 tháng trước, hệ thống chẩn đoán các ca nhiễm virus mới tại Trung Quốc khá đơn giản. Các xét nghiệm axit nucleic sẽ được thực hiện với những trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona, dù xét nghiệm này mất tới vài ngày để trả về kết quả.
Đến hôm 12/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc lặng lẽ thay đổi tiêu chí phân loại bệnh nhân thông qua công cụ chụp X-quang phổi để phát hiện viêm phổi và dấu hiệu của virus corona, áp dụng riêng cho tỉnh Hồ Bắc Bằng cách này, nhiều trường hợp đã được báo cáo nhiễm virus corona ngay cả khi xét nghiệm axit nucleic không cho thấy kết quả dương tính. Sự thay đổi này đã khiến số ca nhiễm mới virus corona tăng hơn 9 lần sau một đêm, nâng tổng số ca nhiễm virus corona tại Trung Quốc tăng 14.840 trường hợp lên 59.539 trường hợp. Các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới WHO khi đó đã hoan nghênh quyết định này là một nỗ lực hướng tới sự minh bạch dữ liệu của phía Bắc Kinh.
Nhưng chỉ vài ngày sau đó, hôm 20/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc lần nữa đảo ngược sự thay đổi này, loại bỏ các trường hợp được xác nhận trước đó bằng phương pháp X-quang khỏi tổng số ca nhiễm virus corona được báo cáo, khiến các ca nhiễm mới giảm mạnh trên cả nước.
Một ngày sau quyết định này, hôm 21/2, tờ Tân Hoa Xã đưa tin một quan chức y tế cấp cao đã chỉ đạo ngừng việc xóa hồi tố các ca nhiễm virus corona được xác nhận bằng phương pháp X-quang trước đó khỏi báo cáo ca nhiễm chính thức của tỉnh Hồ Bắc.
Các nhà nghiên cứu quốc tế nhận định, những sự thay đổi liên tục và nhanh chóng cách chẩn đoán và báo cáo về dịch virus corona đã làm giảm mạnh sự tin cậy của quốc tế vào tính chính xác, minh bạch các số liệu Trung Quốc công bố.
“Những sự thay đổi thường xuyên này không phục vụ mục đích khoa học” - trích lời tiến sĩ Eric Feigl-Ding, một nhà nghiên cứu toàn cầu tại Trường Y tế Công cộng Harvard Chan. “Việc chuyển đổi cách tính một lần như hồi tuần trước là không có vấn đề gì. Nhưng việc chuyển đổi liên tục, đảo ngược các quyết định khiến cho việc so sánh dữ liệu gặp khó khăn lớn. Sự nhất quán rất quan trọng trong thống kê. Chúng ta muốn một sự so sánh đồng nhất, chứ không phải so táo với cam”.
Trước đó, một số quan chức Mỹ cũng tiết lộ Nhà Trắng không đặt niềm tin cậy cao vào những số liệu ca nhiễm virus corona mà Trung Quốc công bố. “Sự thay đổi thường xuyên trong phương pháp báo cáo rõ ràng không giúp Trung Quốc tăng cường niềm tin” - ông Ding nhấn mạnh.