"Khủng hoảng" ập đến với gã khổng lồ dầu mỏ Mỹ ExxonMobil

18/12/2020 11:41 GMT+7
Trong nhiều thập kỷ, ExxonMobil luôn là gã khổng lồ, một “cỗ máy không thể cản bước” trong ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ. Giờ đây, “cỗ máy” ấy có vẻ đang gặp trục trặc.

Lần đầu tiên kể từ khi thành lập, ExxonMobil phải đối mặt với bê bối nội bộ khi các cổ đông tìm cách lật đổ ban giám đốc điều hành hiện tại. Nỗ lực này được dẫn đầu bởi công ty đầu tư chủ động có tên Engine No. 1. Công ty này kêu gọi ExxonMobil kiềm chế các khoản chi khổng lồ, cắt giảm lương cho bộ máy ban giám đốc điều hành và hướng tới thúc đẩy năng lượng sạch. Đáng chú ý, lời kêu gọi của Engine No. 1 nhận được sự ủng hộ của một trong những quỹ đầu tư hưu trí mạnh nhất nước Mỹ: Quỹ hưu trí giáo viên bang California.

Trong một diễn biến khác, một quỹ đầu cơ nắm giữ lượng cổ phần ExxonMobil lớn hơn cả Engine No. 1 là D.E. Shaw đang tìm cách thúc đẩy Exxon cắt giảm chi tiêu, cải thiện hiệu suất hoạt động kinh doanh. Những nỗ lực của các cổ đông đang phản ánh sự sa sút chưa từng có của Exxon. Từng là tập đoàn có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới, giá trị thị trường của ExxonMobil đã giảm một cách đáng kinh ngạc xuống chỉ còn 266 tỷ USD kể từ giữa năm 2014 và ghi nhận mức lỗ đầu tiên trong nhiều thập kỷ. ExxonMobil thậm chí còn bị loại khỏi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones sau 92 năm nằm trong danh mục.

Khủng hoảng ập đến với gã khổng lồ dầu mỏ Mỹ ExxonMobil - Ảnh 1.

Gã khổng lồ dầu mỏ Mỹ ExxonMobil đối diện khủng hoảng

Peter McNally, một nhà phân tích tại Third Bridge Group cho hay: “Trong lịch sử, Exxon trước đây không cần quan tâm quá nhiều đến cổ đông. Nhưng giờ đây, (hoạt động yếu kém của tập đoàn) đã khiến các cổ đông không thể ngồi yên”. Nhất là khi các nhà hoạt động đang gây sức ép, tìm cách buộc Exxon cam kết các mục tiêu phát thải, đáp ứng các tiêu chuẩn khí hậu chung.

Exxon thậm chí còn bị chia rẽ trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát các ghế hội đồng quản trị. Mới đây nhất, Engine No. 1 đã công bố danh sách 4 cá nhân có năng lực trong ngành công nghiệp năng lượng để đưa vào hội đồng quản trị Exxon nếu cần. 

Điều gì khiến Exxon đối diện khủng hoảng?

Engine No. 1 đã cảnh báo rằng Exxon đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng sống còn do hiệu suất hoạt động kém trong những năm gần đây. “Chúng tôi tin rằng để ExxonMobil thoát khỏi số phận đổ vỡ của các công ty Mỹ từng là biểu tượng khác, bản thân Exxon Mobil phải định vị tốt hơn chiến lược để tạo ra giá trị lâu dài và bền vững”. 

Chuỗi sai lầm của ExxonMobil bắt đầu từ thập kỷ trước, khi hãng đi sau trong phong trào bùng nổ dầu đá phiến ở Mỹ, dù phong trào này diễn ra tại chính sân nhà Texas. Thay vào đó, hội đồng quản trị ExxonMobil lại quyết định đầu tư vào các dự án lớn ở nước ngoài. Một dự án liên doanh với công ty dầu khí Rosneft của Nga đã không thành công dù ngốn lượng vốn đầu tư đáng kể. 

Cũng bởi sự muộn màng đó, thương vụ Exxon tiếp quản công ty khí đốt tự nhiên khổng lồ XTO Energy vào năm 2009 bị coi là một thất bại đáng quên. Kể từ thời điểm mua lại XTO Energy đến nay, giá trị mảng này đã giảm hơn một nửa, từ mức 41 tỷ USD xuống chỉ còn 17-20 tỷ USD. 

Trong khi Engine No. 1 chỉ trích ExxonMobil vì chiến lược phân bổ vốn kém trong dài hạn, D.E. Shaw cũng thúc giục tập đoàn này cắt giảm chi tiêu vốn xuống mức chỉ 13 tỷ USD, tức giảm tới 10 tỷ USD so với kế hoạch chi 23 tỷ USD trong năm nay. 

Bên cạnh các vấn đề về cơ cấu phân bổ vốn, Exxon cũng gặp rắc rối liên quan đến vấn đề khí hậu. D.E. Shaw hiện đang thúc đẩy Exxon cải thiện danh tiếng thông qua việc đặt ra mục tiêu phát thải minh bạch, “đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực năng lượng không phát thải và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch”.

Không giống như các tập đoàn dầu khí lớn của châu Âu bao gồm Royal Dutch Shell (RDSA) và BP (BP); Exxon và Chevron (CVX) đã không đầu tư nhiều vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Khi áp lực từ các nhóm hoạt động môi trường lên cao, Exxon gần đây đã phải tuyên bố sẽ loại bỏ phát thải Metan vào năm 2030 và hướng tới cắt giảm cường độ phát thải từ hoạt động sản xuất dầu, khí đốt khoảng 20% vào năm 2025. 

Những cam kết như vậy rõ ràng không đủ để khiến các nhà hoạt động môi trường hài lòng. Andrew Logan, giám đốc cấp cao về dầu khí tại tổ chức phi lợi nhuận Ceres cho biết: “Bộ cam kết này chỉ phù hợp với 5 năm trước”. Ông nhấn mạnh rằng nhiều công ty dầu khí Mỹ như Occidental Petroleum và ConocoPhillips đang tiến xa hơn khi đặt ra mục tiêu phát thải tiệm cận 0 cho các sản phẩm của họ.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục