Kinh doanh hàng bành và bí quyết “hái ra tiền”

23/06/2021 07:27 GMT+7
Ở Huế, hoạt động mua bán quần áo, vật dụng cũ- người dân thường gọi là “hàng bành”, “đồ sida”- diễn ra rất sôi động không thua gì các thành phố lớn. Kinh doanh đồ bành giúp rất nhiều người nơi đây “hái ra tiền”.

Tại TP.Huế, hàng bành đươc bán tập trung tại 3 khu chợ chính là chợ Xép (đường Ngô Đức Kế), chợ Cống (đường Bà Triệu) và chợ Tây Lộc (đường Nguyễn Trãi). Trong đó, chợ Tây Lộc là một trong những khu chợ bán hàng bành lớn nhất TP.Huế với nhiều mặt hàng phong phú và đa dạng. Ngoài ra, hàng bành còn được bán rải rác ở các khu chợ nhỏ, các shop hàng "tuyển" trên các tuyến đường trong thành phố.

Nghề kinh doanh hàng bành và bí quyết “hái ra tiền”  - Ảnh 1.

Một sạp đồ bành ở chợ Xép, đường Ngô Đức Kế, TP. Huế. Ảnh: Văn Hòa.

Nhiều người chỉ coi việc mua bán hàng bành là tận dụng những thứ đã bị bỏ đi, nhưng với những người kinh doanh thì nó lại là một công việc tốt để làm giàu. Hàng bành là mặt hàng được nhiều người lựa chọn kinh doanh khi có ít vốn liếng.

Bà Mai Thị Loan là tiểu thương có 15 năm bán đồ bành ở chợ Tây Lộc. Bà Loan cho biết, lợi thế của hàng bành trước hết là ở giá cả. Một lô hàng bành thường có giá giao động từ 5- 15 triệu đồng. Nguồn hàng bành lúc lại nào cũng phong phú. Về mẫu mã, hàng bành ít khi có sự trùng lặp về mẫu mã. "Trung bình với mỗi lô hàng, người bán có thể thu lời từ 10- 15 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn. Với nhu cầu ngày càng cao, nghề bán hàng bành ngày càng trở nên thịnh hành, nhiều người trở nên sung túc nhờ kinh doanh mặt hàng này", bà Loan kể.

Nhiều người kinh doanh hàng bành tại Huế cho biết, hàng bành thông thường chỉ có giá từ vài ngàn đồng tới vài chục ngàn đồng, nhưng cũng có những món đồ chính hãng được bán lại với giá hàng trăm ngàn, thậm chí lên đến tiền triệu. Với những người trong nghề, hàng bành là mặt hàng ít vốn nhưng lợi nhuận cao.

Nghề kinh doanh hàng bành và bí quyết “hái ra tiền”  - Ảnh 2.

Hàng bành ở Huế đa dạng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Ảnh: Văn Hòa.

"Ngày nay, những sản phẩm thời trang cũ tại các "chợ trời" đã không còn bị gắn mác hàng xấu, hàng rẻ tiền… Chất lượng ngày càng cao, mẫu mã đa dạng, có rất nhiều đồ mới, đẹp, thậm chí có nhiều sản phẩm là hàng hiệu. Việc kinh doanh ngày càng thuận lợi, ngày càng nhiều người lựa chọn bán đồ cũ thay vì đồ mới", một người kinh doanh hàng bành ở chợ Tây Lộc chia sẻ.

Anh Trần Hiếu Vũ Long (chủ sạp hàng bành trên đường Ngô Phước Kế, TP.Huế) cho biết, thu nhập của gia đình anh 10 năm nay đều đến từ việc kinh doanh hàng bành. Sạp của anh chủ yếu bán váy, đầm có xuất xứ từ Thái Lan và Hàn Quốc. Khách hàng anh hướng đến là phụ nữ trẻ và trung tuổi. Đặc biệt, anh luôn nắm bắt các xu hướng thời trang để lựa chọn những mẫu hàng cho phù hợp, bán được giá. Nếu so về chất lượng thì hàng bành tốt hơn hàng mới ở mức trung, chưa kể có những bộ quần áo là hàng chất lượng cao, mà nếu như mua mới ít ai có thể mua nổi.

Nghề kinh doanh hàng bành và bí quyết “hái ra tiền”  - Ảnh 3.

Nhiều bạn trẻ ở Huế, nhất là học sinh, sinh viên lựa chọn mua hàng bành. Ảnh: Văn Hòa.

"Kinh doanh hàng bành dễ là vậy nhưng nó cũng có những bí quyết riêng"- bà Đinh Thị Xuân, một tiểu thương có thâm niên 15 năm bán hàng bành tâm sự. Theo bà Xuân, để kinh doanh hàng bành, trước hết phải có nguồn hàng chất lượng. Xuất xứ của hàng bành khá đa dạng, từ những người chuyên đi mua quần áo cũ, người thu mua vải vóc chắt lọc những món hàng lành lặn đem bán, cho đến những kiện hàng cũ từ tứ xứ đổ về.

Hàng bành là lựa chọn ưu tiên của những người có thu nhập thấp, lao động phổ thông, sinh viên. Ngoài ra hàng bành còn là "sân chơi" thú vị của những bạn trẻ sành thời trang, thích săn đồ hiệu. Xu hướng thời trang tiết kiệm, trào lưu "săn" đồ bành làm thị trường kinh doanh hàng bành ngày càng có tiềm năng và đem lại hiểu quả kinh tế cao cho những người kinh doanh lĩnh vực này.

Nhiều người kinh doanh hàng bành ở Huế kể rằng, với những lô hàng "trúng mánh" họ có thể đút túi 50-70 triệu đồng mỗi lô hàng.


Văn Hòa
Cùng chuyên mục