Lâm Đồng đầu tư hơn 260 tỷ phát triển nông nghiệp hữu cơ

10/03/2021 10:17 GMT+7
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 – 2025. Tổng kinh phí cho đề án này là 260 tỷ đồng.
Lâm Đồng đầu tư hơn 260 tỷ phát triển nông nghiệp hữu cơ - Ảnh 1.

Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích sản xuất trồn trọt hữu cơ đạt 1.600 ha, với sản lượng gần 12.000 tấn nông sản. Ảnh minh họa internet.

Với đề án này, Lâm Đồng đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường. Từ đó, đưa sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng trở thành một trong các địa phương hàng đầu trong cả nước.

Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích sản xuất trồn trọt hữu cơ đạt 1.600 ha, với sản lượng gần 12.000 tấn nông sản. Đối với chăn nuôi, phát triển đàn bò sữa hữu cơ khoảng 2 nghìn, sản lượng khoảng 6.000 tấn; đàn bò thịt hữu cơ 400 con, sản lượng thịt 50 tấn; đàn gà hữu cơ lấy trứng đạt 20 nghìn con, sản lượng trứng đạt trên 3 triệu quả.

Theo ngành nông nghiệp, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ được tiến hành đồng đều ở hết các huyện, thành phố trong tỉnh.

Lâm Đồng sẽ phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kháng sinh, từ đó, thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học.

Ngoài ra Ngân hàng Agribank Lâm Đồng có thể cho vay 1 phần không cần tài sản bảo đảm nếu là khách hàng uy tín, vay vốn lâu năm, có phương án sản xuất, kinh doanh rõ ràng, hiệu quả với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/ năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn để hỗ trợ vốn cho các nông hộ, doanh nghiệp muốn phát triền nông nghiệp hữu cơ.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, bên cạnh tập huấn, chuyển giao các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình điểm có quy mô lớn và khép kín để nhân rộng, trong đó ưu tiên hỗ trợ các mô hình theo chuỗi liên kết.

Ông Châu nói: "Chúng tôi không dừng lại ở việc cấp giấy chứng nhận mà sự hỗ trợ này còn duy trì và kéo dài khép kín từ đầu đến cuối. Khép kín từ khâu kỹ thuật sản xuất, cho đến sơ chế, chế biến, bao bì sản phẩm, đăng ký thương hiệu và đến khâu xúc tiến thương mại..."

M.Lan
Cùng chuyên mục