Làn sóng nới lỏng tiền tệ toàn cầu có đủ tiếp sức cho xu thế tăng của thị trường chứng khoán?

20/08/2019 13:06 GMT+7
Trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng Trung Ương trên thế giới cùng hướng tới cắt giảm lãi suất để đối mặt với rủi ro suy thoái đến gần, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC cũng đang khởi động một động thái tương tự như vậy.

Kinh tế giảm tốc, đến lượt Trung Quốc dùng biện pháp kỹ thuật giảm lãi suất

Hôm 17.8, PBOC đã công bố một kế hoạch cải cách lãi suất được trông đợi từ lâu, như một động thái hỗ trợ tăng trưởng và việc làm trong bối cảnh xung đột thương mại với Mỹ leo thang. Cải cách hướng tới việc thay đổi cơ chế thiết lập lãi suất cho vay cơ bản CPR, qua đó giảm lãi suất thực tế, mở ra cơ chế cho vay dễ dàng hơn với các công ty trong nước. 

Cơ chế cải cách sẽ được bắt đầu thực hiện từ 20.8 này. Vào ngày 20 hàng tháng, Trung tâm tài trợ liên ngân hàng quốc gia sẽ được ủy quyền công bố mức tỷ giá và lãi suất dựa theo những biến động thị trường, theo thông báo của PBOC. 

Một nghiên cứu được Pantheon Macroeconomics thực hiện hôm 19.8 đã chỉ ra: “Lãi suất cho vay mới của Trung Quốc tương đương với một đợt cắt giảm lãi suất”. Như vậy thực chất, PBOC cũng đang tiến hành nới lỏng tiền tệ như xu hướng chung của các Ngân hàng Trung Ương khác trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối diện với nguy cơ suy thoái, chỉ khác là thay vì trực tiếp tuyên bố tỷ lệ cắt giảm 0,25% hay 0,5%, PBOC lại chọn cách đi đường vòng.

Những dữ liệu kinh tế thời gian qua đã chỉ ra một thực tế: kinh tế Trung Quốc đang lao dốc. Tăng trưởng GDP quý II chậm nhất trong 27 năm qua gắn với tỷ lệ nợ công cao, chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ công nghiệp nặng và xây dựng cơ sở hạ tầng sang tiêu dùng chưa hiệu quả, đặc biệt là xung đột thương mại leo thang với Mỹ. Hàng loạt mức thuế quan trừng phạt mà Trump áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc rõ ràng đã giáng đòn mạnh mẽ lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, buộc Bắc Kinh phải tung các gói kích thích để duy trì tăng trưởng. Sau các chính sách kích thích tài khóa, lãi suất cuối cùng cũng được sử dụng như một quân cờ ổn định kinh tế.

Hệ thống lãi suất của Trung Quốc từ lâu đã bị chỉ trích do cơ chế cho vay ưu tiên doanh nghiệp nhà nước thay vì doanh nghiệp tư nhân - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thương mại. Kể từ tháng 10.2015 đến nay, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm của PBOC luôn duy trì cố định ở mức 4,35% và không suy giảm ngay cả khi xung đột thương mại leo thang đỉnh điểm. Nhưng giờ đây, cơ chế thiết lập lãi suất cho vay LPR mới sẽ giúp cải thiện tình trạng này, mở ra cơ hội tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn cho doanh nghiệp tư. Đây có thể xem là một nỗ lực cải cách của PBOC hướng đến tăng tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp với doanh nghiệp tư, chuyên gia kinh tế cấp cao Hao Zhou từ Commerzbank cho biết.

Ken Cheung Kin Tai, chiến lược gia ngoại hối của Ngân hàng Mizuho (Hồng Kông) đã mô tả cuộc cải cách lãi suất của PBOC là "một bước đi táo bạo", thể hiện xu hướng hành động nới lỏng của PBOC sau những tín hiệu kinh tế đáng thất vọng thời gian vừa qua. Ngay sau động thái cải cách này, chỉ số Hang Seng trên thị trường Hồng Kông đã kết thúc tuần với mức tăng 2,2% sau chuỗi giảm 2 tháng liên tiếp liên quan đến cuộc biểu tình và bất ổn chính trị. Chỉ số Shanghai Composite kết thúc tuần tăng 2,1%, mức tăng mạnh nhất trong bảy tuần qua.

Còn trong phiên giao dịch sớm 20.8 trên thị trường Châu Á, khi mức cải cách lãi suất chính thức có hiệu lực, chứng khoán Trung Quốc đại lục đã tăng mạnh với chỉ số Shenzhen Composite tăng 0,442%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,36% trong khi Topix tăng 0,52%. Chỉ số S & P / ASX 200 tại Úc cũng chứng kiến mức tăng 0,64%.

Còn quá sớm để khẳng định liệu cải cách lãi suất của PBOC mới đây nhằm giảm chi phí vay cho các doanh nghiệp Trung Quốc có mang đến động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng hay không. Nhưng so với việc trực tiếp cắt giảm lãi suất như các ngân hàng Trung Ương khác đang thực hiện, PBOC có lý do để “đi đường vòng” thông qua cuộc cải cách lãi suất thay vì trực tiếp tuyên bố tỷ lệ cắt giảm. Rõ ràng, việc thay đổi cơ chế thiết lập lãi suất cho vay cơ bản CPR sẽ giúp giảm lãi suất thực tế một cách hiệu quả mà không gợi lên nỗi lo suy thoái trên thị trường, trong bối cảnh tăng trưởng GDP chững lại đang khiến dư luận quan ngại. 

Vincent Chan, giám đốc điều hành Credit Suisse chi nhánh Hồng Kông cho rằng: “Bắc Kinh sẽ đặc biệt thận trọng trong bối cảnh này. Họ cảm thấy áp lực duy trì kinh tế ổn định trước ngày trọng đại kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào 1.10 tới đây”. 

Loạt ngân hàng Trung Ương nới lỏng: còn quá sớm để vui mừng

Quyết định cắt giảm lãi suất 0,25% hồi tháng 7 của FED đã kéo theo sự nới lỏng của nhiều ngân hàng Trung Ương khác như Thái Lan, New Zealand, Ấn Độ… Mới đây nhất, Trung Quốc cũng tham gia nới lỏng, dù nước này chọn một con đường vòng cùng đích đến. Nhưng liệu nỗ lực của các Ngân hàng Trung Ương có đủ để đưa nền kinh tế toàn cầu ra khỏi bờ vực suy thoái?

Peter Boockvar, giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group cho rằng: “Kỳ vọng Ngân hàng Trung Ương có thể cứu vớt tăng trưởng kinh tế nghe có vẻ hấp dẫn. Ít ra thì giảm lãi suất và các biện pháp kích thích khác đã giúp thị trường cổ phiếu đi lên.”

“Nhưng vấn đề ở đây là chính sách của Ngân hàng Trung Ương không phải nguyên nhân kìm hãm nền kinh tế toàn cầu, thế nên nới lỏng tiền tệ về lâu dài sẽ chẳng giúp ích gì nhiều”. 

“FED không thể giải quyết triệt để những nguy cơ đang khiến thị trường lo lắng, Ngân hàng Châu Âu hay Ngân hàng Nhật Bản cũng thế”. Tất nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng không thay đổi được tình trạng này. 

Theo ông Boockvar, hãy giải quyết xung đột Mỹ Trung thay vì mong chờ Ngân hàng Trung Ương cắt giảm lãi suất để ngăn chặn triệt để suy thoái kinh tế

Thực chất, lãi suất liên bang hiện nay đã gần chạm đáy lịch sử, khoảng 2-2,25%. Lãi suất cho vay của Ngân hàng Châu Âu thậm chí còn có lúc âm. Hạ lãi suất không phải cách giải quyết triệt để vấn đề. Tất nhiên, FED vẫn có thể tiến hành một đợt cắt giảm lãi suất trong tháng 9 để đáp lại kỳ vọng của thị trường, nếu họ muốn.

Thị trường đang định giá 100% cơ hội FED cắt giảm lãi suất trong tháng 9, với 80% cơ hội cắt giảm 0,25% và 20% cơ hội cắt giảm 0,5%. Không chỉ FED, Ngân hàng Châu Âu ECB cũng đang trong thời điểm quan trọng để quyết định tiến tới một chính sách quan trọng, có tác động lớn trong tháng 9.

Paul R. La Monica , đồng nghiệp của Peter Boockvar tại New York nhận định: “Hãy nhớ rằng rất nhiều diễn biến mới rung chuyển thị trường đã diễn ra chỉ 3 tuần sau cuộc họp gần nhất của FED. Đường cong lợi suất đảo ngược, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm thấp kỷ lục, thị trường cổ phiếu tăng giảm như trò chơi tàu lượn siêu tốc, thuế quan mới của Trump với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, một cuộc đàm phán Mỹ Trung dự kiến tiếp tục vào đầu tháng 9…” Thị trường giờ đây đang dồn sự chú ý vào bài phát biểu của ông Powell vào 23.8 tới đây tại bang Utah, dự kiến sẽ hé lộ những động thái tiếp theo của FED. 

Ngay cả khi việc FED hạ lãi suất không giúp kích thích tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, nó vẫn có thể đưa thị trường chứng khoán leo dốc trở lại.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục