Lộ động lực ngắn hạn hỗ trợ tăng giá cổ phiếu Viettel Post (VTP)
SSi Research cho biết, gần đây có tham dự cuộc họp với chuyên viên phân tích do Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post, UPCoM: VTP) tổ chức, với chủ đề chính là cập nhật KQKD Q4/2022 và triển vọng 2023.
KQKD Q4/2022 thấp bất ngờ do chi phí thưởng và chi phí hoạt động cao hơn
Trong Q4/2022, VTP duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu mảng kinh doanh cốt lõi (chuyển phát nhanh) là 3% svck và 14% so với quý trước, đạt 2,3 nghìn tỷ đồng. Mức này tương đương với mức cao được thiết lập trong Q1- Q2/2022, trước khi suy giảm trong Q3. Công ty cho rằng điều này là do việc mở lại biên giới Trung Quốc, mang lại nguồn cung hàng hóa cho các thương nhân và phục hồi từ mức thấp trong quý 3. Một yếu tố khác là chất lượng dịch vụ được cải thiện giúp giành thêm thị phần, thu hẹp đà sụt giảm thị phần trong các quý trước.
Mặc dù doanh thu khả quan, nhưng KQKD Q4/2022 lại có kết quả thấp về mặt lợi nhuận, với LNTT hợp nhất giảm xuống 1 tỷ đồng. Đây là điều rất bất ngờ với SSi Research bởi lợi nhuận trước thuế trong quý 2 và quý 3 lần lượt là 121 tỷ đồng và 70 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo, các yếu tố chính dẫn đến kết quả này là do:
Chi phí lương và thưởng cho lao động tăng lên: VTP đã tăng lương thêm 15% để duy trì tính cạnh tranh; Tăng số chuyến xe tải mỗi ngày để giảm thời gian giao hàng, dẫn đến hiệu quả thấp hơn; Cạnh tranh gay gắt về giá: Sau một vài năm, giá trung bình mỗi đơn hàng giảm từ 43 nghìn đồng xuống chỉ còn 25 nghìn đồng; Chi phí nhiên liệu vẫn ở mức cao.
Nhu cầu thấp hơn ở các thành phố trọng điểm như Bình Dương (do tỷ lệ thất nghiệp cao hơn), dẫn đến hiệu quả thấp hơn.
Tỷ suất lợi nhuận gộp chỉ đạt 4,2%, thấp hơn mức 5,4% trong Q3/2022 và mức trung bình 7,7% trong cả năm 2021. Nhìn chung, doanh thu vận chuyển cốt lõi của VTP năm 2022 đạt 9 nghìn tỷ đồng (+25% svck) và LNTT đạt 323 tỷ đồng (-13% svck). EPS năm 2022 là 1.976 đồng (-19,7% svck), P/E TTM là 15x theo mức giá thị trường hiện tại.
Giành lại thị phần từ mức giá thấp hơn và chất lượng được cải thiện
Theo ước tính của SSi Research, thị phần Q4/2022 của công ty là khoảng 16% (thị phần Q1/2022 là khoảng 14%, trung bình năm 2022 là 15%). Nhờ chiến lược mới của Ban lãnh đạo mới (Công ty có Giám đốc điều hành mới từ năm 2022 cùng với một số thay đổi vị trí chủ chốt khác), cả thời gian giao hàng và chất lượng phục vụ của nhân viên giao hàng đều được cải thiện đáng kể, theo SSi Research đây từng là lý do chính khiến công ty mất thị phần.
Cụ thể, thời gian giao hàng được cải thiện từ 62 giờ xuống chỉ còn 42 giờ như hiện nay. VTP cũng quay trở lại hình thức sử dụng nhân sự nội bộ cho việc vận chuyển chặng cuối trong năm 2022 sau khi chuyển sang thuê ngoài đối với lao động bán thời gian thông qua nền tảng MyGo từ năm 2018 đến năm 2021 (điều này làm giảm chất lượng phục vụ của nhân viên giao hàng tổng thể dưới mức trung bình).
Tuy nhiên, theo quan điểm của SSi Research, điều này lại là tích cực, mặc dù làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận của công ty trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, công ty hầu như không có nợ dài hạn và có nhiều tiền mặt do đầu tư vốn thấp trong vài năm qua, nên công ty có đủ nguồn lực để thực hiện chiến lược này, điều này có thể sẽ mang lại hiệu quả trong dài hạn khi thị phần đủ cao để trang trải cho chi phí tăng cao.
Rủi ro của chiến lược mở rộng thị phần thông qua hy sinh tỷ suất lợi nhuận nằm ở 2 yếu tố: mức độ sẵn sàng hy sinh lợi nhuận ngắn hạn của chủ sở hữu nhà nước (Tập đoàn Viettel) để giảm giá và tiếp tục đầu tư vốn, và thứ hai là phản ứng của các đối thủ cạnh tranh lớn khác.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023
Công ty đã công bố tài liệu cho ĐHCĐ sẽ được tổ chức vào tuần tới. Trong đó, công ty đề xuất kế hoạch kinh doanh khá tham vọng cho năm nay: Tăng trưởng doanh thu cốt lõi là 30% svck; Tăng trưởng LNTT là 46% svck
Trong những năm gần đây, công ty thường không đạt được kế hoạch đặt ra tại ĐHCĐ, vốn được đặt ở mức tương đối cao. Điều này có thể lý giải vì động lực cạnh tranh của ngành hiện rất phức tạp, công ty khó có thể dự đoán trước và SSi Research không cho rằng tình hình về cơ bản đã thay đổi trong năm 2023.
Do đó, SSi Research cho rằng kế hoạch 2023 tiếp tục không phải là chỉ báo tin cậy cho lợi nhuận thực tế của công ty, do năm nay ghi nhận nhu cầu thấp hơn, cũng như chi phí vận hành và đầu tư vốn cao hơn.
SSi Research kỳ vọng tăng trưởng doanh thu cốt lõi năm 2023 là 14% svck (thấp hơn kế hoạch tại ĐHCĐ), trong khi LNTT ước tính chỉ tăng 11% svck (thấp hơn kế hoạch tại ĐHCĐ). Cụ thể, LNTT năm 2023 dự kiến đạt 360 tỷ đồng.
Năm 2024, SSi Research giả định rằng VTP sẽ tăng thêm thị phần lên 18% vào năm 2024 và tỷ suất lợi nhuận gộp cốt lõi của công ty sẽ tăng lên 6,5% nhờ hiệu quả hoạt động cao hơn. Do đó, SSi Research kỳ vọng tăng trưởng LNTT năm 2024 có thể quay trở lại mức 18% svck.
Trong ngắn hạn, SSi Research nhận thấy KQKD Q1/2023 sẽ ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ từ mức đáy (ước tính LNTT sợ bộ là 95 tỷ đồng), đây sẽ là động lực ngắn hạn hỗ trợ tăng giá cổ phiếu.
Rủi ro giảm đối với khuyến nghị của SSi Research nằm ở sự biến động của cuộc chiến giá cả hiện tại giữa các công ty trong ngành, nếu cuộc chiến leo thang có thể dẫn đến giảm thị phần và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của VTP.
SSI cho rằng lợi nhuận VTP đã chạm đáy, cũng như tiềm năng tăng trưởng của ngành cao hơn mức tăng trưởng kinh tế trung bình (tăng trưởng theo tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử). Do đó, SSI đưa ra mức giá mục tiêu cho cuối năm 2023 là 35.000 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 17,4%) dựa trên P/E mục tiêu 14x và khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu.