Loạn giá bảo hiểm xe máy
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự với xe máy là một trong bốn giấy tờ CSGT trên toàn quốc sẽ kiểm tra với các phương tiện trong đợt tổng kiểm soát từ 15/5 đến 14/6. Bảo hiểm xe máy đang được bày bán tràn lan từ vỉa hè cho đến mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử nhưng chị Quỳnh Anh, một nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết đang khá bối rối về giá.
"Chỗ bán 65.000 đồng, chỗ chỉ khoảng 40.000 đồng, thậm chí treo biển 20.000 đồng làm tôi chưa biết mua loại nào, ở đâu để đảm bảo hợp lệ và quyền lợi nếu xảy ra va chạm", Quỳnh Anh chia sẻ.
Tại Hà Nội, trên các tuyến phố Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng, Linh Đàm... xuất hiện rất nhiều điểm bán với biển quảng cáo "Bảo hiểm xe máy 20.000 đồng". Trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo... bảo hiểm xe máy cũng được rao từ 30.000 đến 100.000 đồng một sản phẩm.
Nói với PV, ông Nguyễn Văn Chỉnh, Trưởng ban phát triển kinh doanh Tổng công ty bảo hiểm PVI cho biết, người mua cần phân biệt rõ hai loại hình bảo hiểm cho xe cơ giới, gồm bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, một trong những giấy tờ phải có của người đi đường. Đây là loại bảo hiểm mà công ty bảo hiểm sẽ chi trả, bồi thường cho quyền lợi của nạn nhân (bên thứ ba) khi chủ xe gây tai nạn - chứ không phải chi trả cho chủ lái xe, người ngồi trên xe mua bảo hiểm này.
Còn bảo hiểm tự nguyện, chi trả cho người ngồi trên xe, thường được bán với giá 25.000 đồng (với xe máy) - không phải giấy tờ bắt buộc khi đi đường. Đây cũng chính là loại được lấy để chào mời trên các biển quảng cáo ở nhiều tuyến phố. "Cách quảng cáo lập lờ này có thể khiến khách hàng mua nhầm loại bảo hiểm không cần thiết", ông Chỉnh nói.
Anh Nam, một người bán trên đường Hồ Tùng Mậu cũng thừa nhận, đây chỉ là cách để thu hút người đi đường. "Khi có người vào hỏi mua, tôi thường tư vấn khách mua loại bảo hiểm bắt buộc với giá 65.000 đồng, có thời hạn một năm trước. Còn bảo hiểm tự nguyện, mua hay không tùy ý khách", anh nói.
Chỉ cần khách đưa đăng ký xe hoặc đọc biển số và tên chủ sở hữu phương tiện, vài phút sau anh Nam đã điền xong một tờ giấy chứng nhận của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm bưu điện (PTI). Anh khẳng định bảo hiểm mình bán có hiệu lực và khách hàng có thể gọi điện đến tổng đài của PTI để kiểm tra thông tin vì cuối ngày sẽ gửi về hãng để nhập vào hệ thống.
Ngồi đối diện Nam bên đường, với cách thức tương tự, một người bán bảo hiểm khác cho hay, sau khi có thông tin tổng kiểm soát phương tiện, gần đây mỗi ngày tiêu thụ được 70 – 80 bảo hiểm bắt buộc của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH). Trước đó, ông đã bán bảo hiểm tại đây vài năm nhưng mỗi ngày chỉ túc tắc vài giấy, còn sản phẩm chính vẫn là kính râm. Với mỗi bảo hiểm bắt buộc trị giá 66.000 đồng, ông nói chỉ lãi 6.000 đồng.
Tuy nhiên, trên các trang thương mại điện tử hay Facebook, nhiều chủ gian hàng đang bán sản phẩm này với giá còn thấp hơn nhiều. Một gian hàng trên Lazada rao bán bảo hiểm bắt buộc thời hạn 1 năm của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội (MIC) với giá 30.000 đồng, dù giá in trên giấy chứng nhận là 66.000 đồng.
Chủ gian hàng này hướng dẫn, sau khi nhận giấy bảo hiểm, khách hàng điền thông tin xe vào giấy rồi chụp ảnh gửi lại qua tin nhắn. Sau đó, người bán sẽ lưu thông tin lên hệ thống bảo hiểm MIC để khách hàng có thể kiểm tra qua tin nhắn hoặc tổng đài chăm sóc khách hàng của hãng.
Về mức giá này, các chuyên gia bảo hiểm khẳng định không thể có chuyện bảo hiểm xe máy bắt buộc chỉ 25.000-40.000 đồng. Bộ Tài chính không kiểm soát mức giá với bảo hiểm tự nguyện nhưng có quy định rõ về mức giá đối với bảo hiểm bắt buộc.
Theo quy định của Bộ Tài chính, bảo hiểm xe máy bắt buộc có giá niêm yết 66.000 đồng một năm, gồm 6.000 thuế giá trị gia tăng. Giả sử đại lý "hy sinh" toàn bộ mức chiết khấu hoa hồng tối đa 20%, giá bán bảo hiểm xe máy cũng không dưới 54.000 đồng. Tuy nhiên một số điểm bán bảo hiểm bắt buộc bán giá thấp hơn.
Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó giám đốc Ban kế hoạch và Marketing của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) nói, một số điểm bán có thể để giá thấp hơn kèm theo yêu cầu nhất định để kích cầu khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay quy định không cho phép đại lý bảo hiểm chiết khấu dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi mức phí niêm yết của Bộ Tài chính đưa ra nhằm đảm bảo cân bằng "đủ rẻ để dễ dàng mua" nhưng cũng đủ để đảm bảo khả năng chi trả của các công ty bảo hiểm cho tất cả nạn nhân dựa trên tính toán xác suất xảy ra rủi ro.
Do vậy, giới bảo hiểm khuyên người mua nên gọi đến hotline của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tìm đến các đại lý phân phối, ngân hàng, cây xăng... để được tư vấn chính xác loại hình bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và mua đúng loại bảo hiểm của các công ty.