Lợi nhuận ròng các công ty niêm yết chứng khoán trong quý IV/2022 giảm hơn 30%
Lợi nhuận của các công ty niêm yết trong quý IV/2022 giảm hơn 30%
Theo ước tính của Khối phân tích Công ty Chứng khoán VnDirect, tổng lợi nhuận ròng Quý IV/2022 của các công ty niêm yết chứng khoán trên 3 sàn (HOSE, HNX, UPCOM) giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây được cho là mức giảm lớn nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Kết quả kinh doanh đáng thất vọng trong Quý IV/2022 đã kéo tăng trưởng lợi nhuận ròng của thị trường năm 2022 xuống chỉ còn 7,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với dự báo của VnDirect là 16,7% so với cùng kỳ cho cả năm.
Khó khăn tiếp nối với các doanh nghiệp Thép, Thực phẩm và Chứng khoán. Lợi nhuận ròng Quý IV/2022 của các nhà sản xuất thép niêm yết giảm sâu 155,6% so với cùng kỳ do suy giảm sản lượng tiêu thụ và biên lợi nhuận gộp giảm 1,8 điểm % so với quý liền kề.
Ngành thực phẩm kéo dài xu hướng giảm với lợi nhuận ròng trong 3 quý liên tiếp cuối năm 2022 giảm lần lượt 7,7%; 13,8%; 80,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng Quý IV/2022 của ngành thực phẩm giảm mạnh là do MSN ghi nhận lợi nhuận ròng trong kỳ giảm 93,1% so với cùng kỳ (do Quý IV/2021 MSN khi ghi nhận khoản thu nhập bất thường đáng kể ~5.700 tỷ đồng).
Các công ty chứng khoán tiếp tục ghi nhận lợi nhuận ròng sụt giảm mạnh 96,6% so với cùng kỳ trong Quý IV/2022 do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm 58,4% so với cùng kỳ.
Thống kê cho thấy, các công ty thép, sản xuất thực phẩm và chứng khoán cùng nhau làm tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường giảm 24,8 điểm phần trăm trong Quý IV/2022.
Dù vậy, ngân hàng và các công ty dịch vụ tiện ích là điểm sáng khi cùng nhau đóng góp 7,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng lợi nhuận ròng Quý IV/2022 của thị trường. Lợi nhuận ròng các ngân hàng niêm yết Quý IV/2022 tăng trưởng 23,2%, nhờ đóng góp của VCB (+53,9%) và BID (+88,8%) do giảm chi phí dự phòng.
Ngành dịch vụ tiện ích ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 30,4%, cao nhất toàn thị trường trong Quý IV/2022, xấp xỉ mức tăng Quý III/2022 nhưng giảm mạnh so với đỉnh tăng trưởng trong Quý II/2022 (+88,7%). GAS là động lực chính, đóng góp 34,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng lợi nhuận ròng Quý IV/2022 của ngành tiện ích.
Bất chấp thời điểm khó khăn, lợi nhuận Quý IV/2022 của các doanh nghiệp bất động sản vẫn tăng 0,9% nhờ VIC (QIV/22: 1.559 tỷ đồng so với QIV/21: -5.964 tỷ đồng) và VRE (+549%).
Lợi nhuận nhóm VN30 vững vàng trước sóng gió?
Lợi nhuận ròng QIV/2022 của nhóm VN30 giảm -11,5%, tốt hơn so với của nhóm vốn hóa lớn (-18,4%). Lợi nhuận của nhóm vốn hóa lớn sụt giảm nhiều hơn so với VN30 trong QIV/2022 chủ yếu là do BSR (-44,2%), DPM (-30,2% và DGC (-20,8%).
Lợi nhuận ròng QIV/2022 của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ giảm mạnh lần lượt -64,8% và -83,3% do nhu cầu xuất khẩu yếu, biên lợi nhuận sụt giảm và lỗ tỷ giá.
Lợi nhuận ròng của VN30 tăng 4,9% trong năm 2022 khi 16 doanh nghiệp trong VN30 có tăng trưởng lợi nhuận ròng dương trong năm 2022. Dẫn đầu là VRE (+108%), BID (+72%) và GAS (+70%).
VRE đã hoạt động bình thường trở lại trong năm 2022 so với việc đóng cửa giãn cách xã hội vào năm 2021 do sự bùng phát của Covid-19. BID ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận rằng mạnh mẽ trong năm 2022 nhờ giảm bớt chi phí trích lập dự phòng trong khi vẫn có mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần vững chắc. GAS đã ghi nhận sản lượng tiêu thụ khí khô tăng 7,8% trong năm 2022 nhờ huy động điện khí phục hồi sau đại dịch và giá khí bùng nổ (giá dầu FO của Singapore: +30%). Đáng chú ý, VIC ghi nhận lợi nhuận ròng trong năm 2022 là 8.352 tỷ đồng so với lỗ ròng 2.771 tỷ đồng trong năm 2021.
Ở chiều ngược lại, năm 2022, lợi nhuận ròng của Hòa Phát (HPG) giảm mạnh -75% chủ yếu do giá than coke đầu vào tăng gần +140% trong năm 2022 và sản lượng tiêu thụ giảm -6,5% trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều thách thức. Lợi nhuận ròng của Petrolimex (PLX) giảm -48%) phải tăng tỷ trọng nguồn nhập khẩu để đảm bảo xăng dầu cho thị trường trong nước 9 tháng đầu 2022 trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới không thuận lợi và chi phí kinh doanh xăng dẫu tăng cao.
Đáng chú ý, Vietjet (VJC) ghi nhận khoản lỗ 2.172 tỷ đồng trong năm 2022 (2021: +95 tỷ đồng) do không ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động Bán và Cho thuê lại; cũng như các khoản thu nhập tài chính khác như năm 2021. Ngoài ra, giá guyên liệu tăng cao cũng ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của VJC.
Biên lợi nhuận gộp cải thiện, tỷ lệ đòn bẩy giảm
Biên lợi nhuận gộp thị trường (không bao gồm ngân hàng) QIV/22 tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với quý trước. Lần đầu tiên kể từ QIII/2021 biên lợi nhuận gộp có sự cải thiện lớn nhất đến từ các ngành Dịch vụ tiện ích (+3,6 điểm %), Bất động sản (+2,8 điểm %) và Dầu khí (+2,5 điểm %).
Tỷ lệ đòn bẩy của thị trường (không bao gồm ngân hàng) tiếp tục kéo dài xu hướng giảm kể từ QI/2022. Đây được cho là do yếu tố tích cực đến từ kết quả mua lại trái phiếu doanh nghiệp; và nhu cầu huy động vốn yếu do các doanh nghiệp có xu hướng trì hoãn việc mở rộng kinh doanh. Lãi suất cao cũng làm tăng chi phí vốn vay trung bình trên thị trường từ 5,8% lên 5,9% trong QIV/2022.