VinaCapital kỳ vọng năm 2023 thị trường chứng khoán (VN-Index) hồi phục mạnh mẽ, vì những lý do này

08/02/2023 08:41 GMT+7
Theo chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital, Michael Kokalari, 2 yếu tố chính áp lực lên VN-Index trong năm ngoái được giải quyết: Áp lực lạm phát toàn cầu đang giảm. VinaCapital kỳ vọng Chính phủ sẽ giải quyết những lo ngại về khả năng các tập đoàn trong nước có thể tái tài trợ 5 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay.

Mới đây, chuyên gia Kinh tế trưởng của Quỹ VinaCapital, ông Michael Kokalari đã phát hành báo cáo phân tích với chủ đề "Hướng đến 2023". Trong đó, trọng tâm là VinaCapital kỳ vọng nền kinh tế và TTCK Việt Nam sẽ trở lại thể hiện đúng với tiềm năng trong năm nay.

VN-Index đã giảm 33% trong năm 2022

Tăng trưởng GDP trong năm 2023 kỳ vọng sẽ đạt mức 6%, thấp hơn mức 8%đạt được trong năm 2022 (một phần có được từ nên GDP năm 2021 thấp do ảnh hưởng của dịch Covid). Mặc dù nhu cầu với các sản phẩm "Made in Vietnam" từ người tiêu dùng Mỹ/EU chậm lại nhưng được hỗ trợ bởi sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại và sự gia tăng giải ngân cho cơ sở hạ tầng của Chính phủ.

VinaCapital kỳ vọng năm 2023 thị trường chứng khoán (VN-Index) hồi phục mạnh mẽ, vì những lý do này  - Ảnh 1.

Việt Nam đã định hướng mục tiêu tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng từ khoảng 4% GDP vào năm 2022 lên 7% GDP (tương đương khoảng 30 tỷ USD) vào năm 2023. Nguồn: VinaCapital

VN-Index đã giảm 33% trong năm 2022 (hoặc 35% nếu tính bằng USD), vì vậy tỷ lệ P/E năm 2022 của thị trường giảm từ 20x vào cuối năm 2021 xuống còn 12x vào cuối năm 2022 (EPS tăng ước tính 5% vào năm ngoái).

Sự sụt giảm của VN-Index năm ngoái, bất chấp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhanh nhất trong 25 năm, là do ba yếu tố tiêu cực:

Thứ nhất, thị trường chứng khoán toàn cầu suy yếu (bao gồm việc S&P500 giảm 20% vào năm ngoái) do Ngân hàng Trung ương Mỹ và các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất mạnh mẽ;

Thứ hai, giá trị của đồng USD tăng tới 20% vào cuối năm 2022 (đồng USD tăng giá  gây bất lợi cho các thị trường chứng khoán mới nổi); và

Thứ ba, các vấn đề trong nước, bao gồm ba vụ bắt giữ các lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp và việc chỉnh đốn của Chính phủ đã tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như một số nhà phát triển bất động sản.

Giai đoạn giảm điểm của VN-Index hiện đã kết thúc, khối ngoại đã mua vào 1,1 tỷ USD

VinaCapital tin rằng giai đoạn giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã kết thúc. Theo VinaCapital nhà đầu tư nên chú ý rằng có sự đồng thuận về kỳ vọng VN-Index sẽ tăng hơn 20% với sự phục hồi về cơ bản là do sự cải thiện ở cả yếu tố trong nước và quốc tế vốn đã tạo áp lực lên thị trường trong năm ngoái.

Đặc biệt, áp lực lạm phát toàn cầu hiện đang giảm bớt, điều đó có nghĩa là việc tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương làm suy yếu các thị trường chứng khoán phát triển lẫn mới nổi vào năm ngoái có thể sẽ sớm kết thúc.

VinaCapital kỳ vọng Chính phủ sẽ thực hiện các bước để giảm bớt các vấn đề thanh khoản hiện đang tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam. Điều này sẽ dẫn đến việc nối lại khả năng tái cấp vốn cho các khoản nợ đáo hạn của các công ty Việt Nam.

VinaCapital kỳ vọng năm 2023 thị trường chứng khoán (VN-Index) hồi phục mạnh mẽ, vì những lý do này  - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital, Michael Kokalari cho rằng 2 yếu tố chính áp lực lên VN-Index trong năm ngoái được giải quyết

Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu VinaCapital, việc niềm tin trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là một quá trình kéo dài nhưng định giá hấp dẫn và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận vững chắc của thị trường có lẽ giải thích tại sao các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu Việt Nam trị giá 1,1 tỷ USD trong hai tháng cuối năm 2022. Họ cũng là những người mua ròng của thị trường chứng khoán Việt Nam cho cả năm 2022, lần đầu tiên kể từ năm 2019 (với dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 7% của VN-Index vào năm 2023, theo Bloomberg).

VinaCapital kỳ vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ duy trì ổn định trong năm nay. Giá trị của VND đã mất giá 3% trong năm 2022, trong khi các các đồng tiền trong khu vực thị trường mới nổi mất giá 7%. VinaCapital cho rằng giá trị VND tăng 2-3% trong năm nay. Lạm phát CPI của Việt Nam trung bình là 3% trong năm 2022 thấp hơn nhiều so với các thị trường cận biên/mới nổi trên thế giới. VinaCapital dự báo chỉ số này của Việt Nam sẽ tăng lên 4% trong năm 2023, phần lớn là do Trung Quốc mở cửa trở lại có khả năng gây áp lực lên giá thực phẩm và năng lượng tại Việt Nam.

Kỳ vọng năm 2023 VN-Index hồi phục mạnh mẽ

Như vậy, theo chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital, Michael Kokalari, 2 yếu tố chính áp lực lên VN-Index trong năm ngoái được giải quyết: Áp lực lạm phát toàn cầu đang giảm. VinaCapital kỳ vọng Chính phủ sẽ giải quyết những lo ngại về khả năng các tập đoàn trong nước có thể tái tài trợ 5 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay. VinaCapital kỳ vọng năm 2023 thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Về chủ đề đầu tư năm nay, đội ngũ nghiên cứu của VinaCapital tiếp tục ủng hộ các chủ đề tiêu dùng trong nước, cơ sở hạ tầng và đầu tư FDI trong năm 2023 (không thay đổi so với bản phân tích "Hướng đến 2022") và bổ sung các đối tượng hưởng lợi từ lãi suất thấp và sự hợp nhất là hai chủ đề mới cho năm nay.

Về tiêu dùng trong nước, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu Việt Nam đang thúc đẩy sự tăng trưởng chắc chắn về nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ mà nhóm người tiêu dùng này mong muốn, sẽ mang lại lợi ích cho các công ty hàng tiêu dùng không thiết yếu. Điều này cũng mang lại lợi ích cho các công ty dịch vụ tài chính vì nhu cầu về khoản vay thế chấp, thẻ tín dụng và các sản phẩm tài chính tiêu dùng/ tín dụng tiêu dùng khác tăng lên, cũng như mong muốn về gửi tiết kiệm và sản phẩm đầu tư. 

Các công ty hàng không tại Việt Nam cũng được hưởng lợi từ sự tăng trưởng liên tục của tầng lớp trung lưu mới nổi trong nước vì nhu cầu du lịch trong và ngoài nước của  phân khúc khách hàng này và việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ hàng không.

VinaCapital kỳ vọng năm 2023 thị trường chứng khoán (VN-Index) hồi phục mạnh mẽ, vì những lý do này  - Ảnh 4.

VinaCapital Kỳ vọng năm 2023 VN-Index hồi phục mạnh mẽ. Các nhóm ngành nổi bật trong năm 2023. Nguồn: VinaCapital

Cơ sở hạ tầng đã là một chủ đề đầu tư nhất quán của Việt Nam trong nhiều năm. Sự tập trung của Chính phủ trong đầu tư công trong năm nay làm chúng tôi đặc biệt lạc quan về triển vọng của các công ty được hưởng lợi từ việc tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm các công ty vật liệu xây dựng và các công ty hàng không được hưởng lợi từ việc xây dựng các sân bay mới.

Tiếp theo, dòng vốn FDI là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong những năm gần đây. Dòng vốn FDI đã tăng 14% trong năm ngoái và có khả năng tăng trưởng với mức độ tương tự trong năm nay, khi ngày càng có nhiều nhà máy chuyển từ Trung Quốc hoặc thành lập tại Việt Nam thay vì ở Trung Quốc. Những dòng vốn này cũng mang lại lợi ích trực tiếp cho các nhà phát triển khu công nghiệp, cảng biển và nhà phát triển bất động sản với dự án gần các nhà máy có nguồn vốn từ FDI.

HSBC trong báo cáo mới nhất cho rằng, Việt Nam khởi đầu năm 2023 với dòng vốn FDI mới khả quan là 1,2 tỷ USD. Bất chấp chu kỳ đi xuống của công nghệ toàn cầu trong ngắn hạn, các công ty công nghệ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Dự án phát triển mới nhất đến từ nhà sản xuất màn hình của Trung Quốc BOE, nhà cung cấp màn hình cho cả Apple lẫn Samsung, có kế hoạch đầu tư lên tới 400 triệu USD để xây dựng hai nhà máy. Trong khi đó, tâm lý các doanh nghiệp châu Âu cũng cho thấy cái nhìn lạc quan tương tự, thể hiện trong khảo sát hàng quý mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam. Thực tế, mặc dù tổng FDI sụt giảm trong năm 2022, FDI trong lĩnh vực sản xuất vẫn vững vàng, càng nêu bật lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong mảng này.


Kế đến, lãi suất tại Việt Nam có thể sẽ giảm theo tiến độ năm 2022 vì giá trị của VND đã bắt đầu tăng và có khả năng tiếp tục tăng và vì áp lực lạm phát toàn cầu đang giảm bớt. Lãi suất thấp hơn sẽ mang lại lợi ích cho các bên môi giới, bất động sản và các công ty có dư nợ cao, mặc dù lãi suất thấp hơn có thể làm giảm thu nhập của các ngân hàng và công ty có số dư tiền mặt đáng kể.

Cuối cùng, môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn hơn ở Việt Nam có thể thúc đẩy một số sự hợp nhất giữa các ngân hàng, công ty tiêu dùng và các nhà phát triển bất động sản và/ hoặc hợp nhất các dự án phát triển bất động sản riêng lẻ. 

VinaCapital kỳ vọng nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở lại thể hiện đúng với tiềm năng trong năm nay khi mà nền kinh tế của đất nước đang quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng dài hạn khi giai đoạn bùng nổ mở cửa sau COVID kết thúc, giai đoạn giảm điểm năm 2022 dường như sắp kết thúc với bằng chứng là dòng vốn ngoại đã quay lại thị trường.

Thực tế là nền kinh tế Việt Nam sẽ có những động lực thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong năm nay, có nghĩa là thu nhập của một số công ty sẽ tốt hơn, trong khi những công ty khác có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn do suy thoái toàn cầu. Trong bối cảnh này, VinaCapital dự báo hiệu quả hoạt động giữa các ngành và trong nội bộ ngành sẽ có sự khác biệt đang kể, vì thế đầu tư chủ động sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Điều này cũng xảy ra vào năm 2022, khi tất cả các quỹ mở của VinaCapital đều hoạt động tốt hơn chỉ số tham chiếu trong kỳ hạn 1 và 3 năm

Q. Nguyễn
Cùng chuyên mục