Lương tối thiểu vùng năm 2024: Hoãn xem xét để đánh giá thêm

10/08/2023 06:26 GMT+7
Sau khi kết thúc phiên họp thứ nhất Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất, tạm thời dừng bàn về lương tối thiểu vùng năm 2024 cho tới cuối năm nay, để đánh giá tình hình doanh nghiệp (DN), việc làm, lao động (LĐ) trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Lùi họp bàn vì nhiều bất đồng

Sáng 9/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên đầu tiên để bàn về tiền lương tối thiểu vùng năm 2024. Tin từ thành viên hội đồng cho hay, sau phiên họp, các bên thống nhất sẽ báo cáo Chính phủ tạm thời chưa xem xét vấn đề này cho tới cuối năm. Việc lùi lại này để các bên trong hội đồng theo dõi, đánh giá thêm tình hình hoạt động của DN, việc làm, đời sống người LĐ. “Các bên trong hội đồng đều thấy được khó khăn của DN và người LĐ phải đối mặt. Việc xem xét lương tối thiểu vùng năm 2024 có tăng hay không, tăng mức nào sẽ phải đợi đến cuối năm để đánh giá tình hình rõ hơn, tránh việc tăng lương làm DN khó khăn thêm, kéo theo người LĐ có thể mất việc”, vị thành viên Hội đồng Tiền lương nói.

Lương tối thiểu vùng năm 2024: Hoãn xem xét để đánh giá thêm - Ảnh 1.

Việc bàn tăng lương tối thiểu vùng năm tới còn phụ thuộc vào sự phục hồi của DN, việc làm Ảnh: Như Ý

Hội đồng Tiền lương Quốc gia dự kiến tháng 11 tới mới nhóm họp phiên thứ 2. Với lịch trình này, kể cả có tăng lương tối thiểu vùng, thời gian điều chỉnh tăng gần như chắc chắn không thể thực hiện từ đầu năm 2024. Thay vào đó, thời điểm tăng lương cho công nhân (nếu có) có thể vào tháng 4 hoặc tháng 7/2024, để DN có thời gian điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Được biết, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam (cơ quan đại diện cho người LĐ) đề xuất, tăng lương tối thiểu vùng năm tới thêm 5-6% so với hiện hành. Mức tăng này chủ yếu để bù trượt giá nhằm duy trì tiền lương thực tế cho người LĐ, vừa chia sẻ khó khăn với DN. Theo khảo sát của tổ chức này, để mức lương tối thiểu đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của người LĐ và gia đình họ, lương năm tới phải tăng thêm 11,34%.

Trong khi đó, các đại diện cho người sử dụng LĐ tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia lại cho rằng, hiện DN còn rất khó khăn do thiếu đơn hàng, duy trì được việc làm, không phải cắt giảm LĐ đã là nỗ lực rất lớn. Thậm chí, nhiều DN dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ… buộc phải giảm giờ làm, giảm LĐ. Nhiều đơn vị chỉ duy trì ngày làm 8 tiếng trả mức lương cơ bản. Do đó, phía đại diện DN kiến nghị chưa tăng lương tối thiểu vùng trong năm tới.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia LĐ, tiền lương Phạm Minh Huân cũng đồng thuận với việc lùi thời điểm họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia để xem xét tiền lương tối thiểu năm 2024. Theo ông Huân, sức ép về giá hàng hóa tăng sau khi lương cơ sở khu vực nhà nước, lương hưu đã tăng từ tháng 7 tạo áp lực lớn lên đời sống công nhân. “Bối cảnh này cần thêm thời gian để đánh giá trước khi đưa ra quyết định có tăng lương tối thiểu hay không ”, ông Huân nói.

Công nhân không dám trực tiếp nuôi con

Anh Nguyễn Văn Dũng (công nhân ở Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, từ Tết tới nay, vợ anh cùng 2 con nhỏ vẫn ở quê với ông bà nội. Dù trước đây vợ anh Dũng cũng làm công nhân cho công ty may ở Từ Sơn, con cái khi đủ 1 tuổi đều phải nhờ bố mẹ ở quê chăm sóc hộ, vì thu nhập không đủ để nuôi con ăn, học ở nơi bố mẹ làm. “Sau nghỉ Tết và đi làm được 1 tháng thì công ty của vợ thông báo động viên người LĐ tạm hoãn hợp đồng, nếu đi làm chỉ được làm 8 tiếng và nhận lương cơ bản, không còn tăng ca. Nếu không được tăng ca, thu nhập của vợ tôi chưa tới 5 triệu đồng mỗi tháng, không đủ cho sinh hoạt cá nhân và nuôi con, nên đã chọn ở lại quê, tôi đi ở ghép với công nhân khác để chia tiền phòng. Khi nào công ty gọi, vợ tôi mới ra làm lại”, anh Dũng nói.

Về tăng lương tối thiểu, anh Dũng cho biết, tăng lương nghe cũng vui, nhưng mức thực nhận không thay đổi nhiều. Tháng 7/2022, dù lương tăng thêm 6%, nhưng thực tế thu nhập hằng tháng của vợ chồng anh vẫn vậy, chỉ thấy lương tính đóng bảo hiểm, phí công đoàn tăng và giá rau thịt, tiền nhà, điện nước cùng tăng.

Trong báo cáo về tình hình tiền lương, LĐ, việc làm tại các địa phương, Sở LĐ-TB&XH không ít địa phương nhận định tình hình DN còn khó khăn nên đề xuất Bộ LĐ-TB&XH báo cáo cấp thẩm quyền giữ mức lương tối thiểu vùng hiện hành. Cũng không ít địa phương đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 từ 5-8% so với hiện hành, như: Bắc Giang, Cần Thơ, Long An, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa… Các địa phương nêu thực tế, tăng lương tối thiểu để bù trượt giá, cải thiện đời sống người LĐ. “Khi có thông tin tăng lương tối thiểu là giá cả đã có sự biến động, mọi mặt hàng thiết yếu… đều tăng giá”, ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên đánh giá.

Khảo sát của Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam cho thấy, hiện tiền lương cơ bản bình quân của người LĐ khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn lương tối thiểu vùng hiện hành từ 37 đến 51% tùy từng vùng. Thu nhập bình quân của người LĐ hơn 7,8 triệu đồng/tháng (tăng ca, phụ cấp). Đáng chú ý, chỉ có hơn 24% người LĐ cho biết, thu nhập vừa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống, còn lại (hơn 75%) nói thu nhập không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu; hơn 17% người LĐ phải thường xuyên vay nợ. Chỉ hơn 8% người LĐ thu nhập có dư, tích lũy.

Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống cũng là nguyên nhân chính khiến hơn 17% người LĐ không thể trực tiếp nuôi và chăm sóc con dưới 18 tuổi (phải gửi người thân chăm sóc ở quê nhà). Cũng theo khảo sát trên, chỉ hơn 26% người LĐ được khảo sát có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hằng ngày…

Bộ Luật LĐ quy định, lương tối thiểu được xác định và điều chỉnh trên các yếu tố: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; cung, cầu LĐ; việc làm và thất nghiệp; năng suất LĐ; khả năng chi trả của DN.

Theo Tiền Phong
Cùng chuyên mục