Mất cân đối tài chính nghiêm trọng, TISCO vẫn phải vay thêm
Mất cân đối tài chính vẫn phải vay thêm
Trong tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ năm 2019, Ban kiểm soát Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) nhận định công ty đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Nợ phải trả chiếm 82% tổng nguồn vốn.
Trong năm 2019, TISCO đã nỗ lực thanh toán một phần nợ để tài chính cân đối hơn. Nợ phải trả giảm từ 8.702 tỷ đồng xuống 7.592 tỷ đồng nhưng vẫn chiếm tới 80% nguồn vốn. Tỷ lệ này giảm không đáng kể so với cuối năm 2018.
Vì vậy, trong báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2019 của TISCO, kiểm toán viên của Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC một lần nữa nhắc tới vấn đề nợ của TISCO. AASC nhấn mạnh tại thời điểm 31/12/2019, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của công ty là 2.885 tỷ đồng. Một số khoản nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 đã quá hạn thanh toán.
"Những sự kiện này cùng với các vấn đề được nêu ở Thuyết minh số 1 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty", hãng kiểm toán AASC nhấn mạnh.
Tình hình tài chính không được cải thiện nhiều trong năm 2019 nhưng tới quý 1/2020, TISCO vẫn phải vay thêm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 của TISCO, tại thời điểm 31/3/2020, nợ phải trả của công ty tăng từ 7.592 tỷ đồng lên 7.966 tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng nguồn vốn. Nói cách khác, nợ phải trả cao gấp 4,2 lần vốn chủ sở hữu. Theo quy định tại một doanh nghiệp nhà nước, tỷ lệ nợ/vốn chỉ được tối đa là 3%.
Vay ngân hàng là nguyên nhân chính khiến nợ phải trả tại TISCO gia tăng. Đáng chú ý, hãng kiểm toán AASC lo ngại về tình hình nợ ngắn hạn quá cao tại TISCO nhưng trong quý 1/2020, TISCO lại giữ nguyên nợ dài hạn và tăng thêm nợ ngắn hạn. Trong kỳ, chỉ tiêu này tăng từ 2.553 tỷ đồng lên 2.754 tỷ đồng.
Lợi nhuận "lao dốc"
Nợ vay tăng mạnh nhưng chi phí lãi vay trong quý 1/2020 của TISCO lại giảm đáng kể, giảm từ 54,6 tỷ đồng xuống 44 tỷ đồng. Nhiều khả năng, TISCO đã được hưởng chính sách giảm nợ và giãn nợ do Ngân hàng Nhà nước công bố để hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với đại dịch Covid-19. Bên cạnh lãi vay, TISCO cũng cố gắng cắt giảm các khoản chi tiêu khác như chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng.
Tuy nhiên, bằng đó nỗ lực là chưa đủ giúp TISCO tăng trưởng dương về lợi nhuận khi mà doanh thu sụt giảm. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 1/2020 của TISCO chỉ đạt 2.168 tỷ đồng, giảm 642 tỷ đồng, tương đương 22,8% so với quý 1/2019.
Cùng với đó, lợi nhuận khác giảm sâu, từ 1,3 tỷ đồng xuống chỉ còn 668 triệu đồng nên trong kỳ, TISCO chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 4,8 tỷ đồng, giảm 3,4 tỷ đồng, tương đương 41,4%.
Nợ xấu cao ngất ngưởng
Mặc dù liên tục phải đi vay dù tình hình tài chính mất cân đối nghiêm trọng nhưng TISCO vẫn còn tồn những khoản nợ xấu cao ngất ngưởng. Tại thời điểm 31/3, tổng nợ xấu tại TISCO lên đến hơn 651 tỷ đồng, không đổi so với số liệu hồi đầu năm. Trong đó, giá trị có thể thu hồi được chỉ là hơn 354 tỷ đồng. Nghĩa là nợ có khả năng mất vốn tại TISCO đạt tới 297 tỷ đồng.
Công ty TNHH TM và DL Trung Dũng gây nợ xấu cho TISCO nhiều nhất với khoản nợ tồn đọng lên tới 252 tỷ đồng. Đứng sau là Công TNHH TM và XD Hà Nam với 127 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi được chỉ là 45,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Lưỡng Thổ với 102 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi được là 24,1 tỷ đồng,…
Đáng chú ý, Công ty Jinsu Resources và Công ty Asia Global có nợ xấu là 23,5 tỷ đồng và 14,6 tỷ đồng. Hai khoản nợ này được TISCO xác định không thể thu hồi được.
Chủ tịch không nhận lương?
Trong bảng Thù lao và các khoản lợi ích của Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc và Ban Kiểm soát năm 2019, dường như Chủ tịch Hội đồng quản trị của TISCO không nhận lương.
Nhiều thành lãnh đạo cấp cao tại TISCO được xác định nhận mức lương từ 84 triệu đồng tới 312 triệu đồng. Người được trả cao nhất là Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Hoàng Ngọc Diệp với 312 triệu đồng.
Trong khi đó, ông Đinh Quốc Thái, ông Nguyễn Văn Tuấn đều từ nhiệm từ đầu năm 2019, không được xác định mức lương và chỉ nhận thù lao 14 triệu đồng. Còn ông Phạm Công Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị TISCO đương nhiệm không có lương tháng, chi thêm lễ tết và phụ cấp kiêm nhiệm. Tổng thù lao ông nhận được là 45 triệu đồng.
Cổ phiếu giảm sâu
Cùng với đà giảm của VN-Index do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tình hình mất cân đối tài chính tại TISCO góp phần khiến cổ phiếu TIS "rơi tự do" trên thị trường chứng khoán.
Đóng cửa phiên 16/4, TIS dừng ở mức 7.200 đồng/CP, giảm 6.300 đồng/CP, tương đương 46,7% so với phiên cuối cùng của năm 2019. Vốn hóa thị trường TISCO vì vậy mà giảm 1.789 tỷ đồng.