Mất CMND, có phải xin xác nhận của Công an xã khi làm Căn cước công dân gắn chip?

19/05/2021 11:00 GMT+7
Khi làm Căn cước công dân gắn chip, người dân cần mang theo CMND cũ để hủy hoặc thu hồi. Vậy, nếu làm mất CMND có cần xin xác nhận của Công an xã để làm CCCD?

Trước đây, mất CMND phải xin xác nhận

Hướng dẫn thủ tục cấp lại Chứng minh nhân dân được quy định cụ thể tại Thông tư 04/1999/TT-BCA-C13.

Theo đó, đối tượng được cấp lại CMND là những công dân đã được cấp CMND theo Nghị định số 05/1999/NĐ-CP và giấy CMND theo Quyết định số 143/CP nhưng bị mất.

Thủ tục đổi, cấp lại CMND gồm có:

- Đơn trình bầy rõ lý do đổi CMND hoặc cấp lại, có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai;

- Xuất trình hộ khẩu thường trú (Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu, chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã, phường, thị trấn;

- Đối với những trường hợp thay đổi họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đổi lại CMND phải xuất trình Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi các nội dung trên đây;

- Chụp ảnh (như trường hợp cấp mới);

- Kê khai tờ khai cấp chứng minh nhân dân theo mẫu;

- Vân tay hai ngón trỏ có thể in vào tờ khai theo mẫu hoặc cơ quan Công an thu vân tay hai ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào tờ khai và CMND…

Như vậy, thời điểm trước đây, khi công dân mất CMND, phải được Công an cấp xã xác nhận thì mới được Công an cấp huyện cấp lại CMND mới.

Mất CMND, có phải xin xác nhận của Công an xã khi làm Căn cước công dân gắn chip? - Ảnh 1.

Mất CMND có cần xin xác nhận của Công an xã để làm Căn cước công dân? (Ảnh minh họa)

Mất CMND có cần xin xác nhận của Công an xã khi làm Căn cước công dân?

Theo Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA, sửa đổi bởi Thông tư 40/2019/TT-BCA, khi làm Căn cước công dân, công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân. Cán bộ kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân trong Tờ khai căn cước công dân với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc sổ hộ khẩu.

Trường hợp thông tin trên sổ hộ khẩu chưa đầy đủ hoặc không thống nhất với thông tin công dân khai trên Tờ khai Căn cước công dân thì yêu cầu công dân xuất trình Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân cũ hoặc các giấy tờ hợp pháp khác về những thông tin cần ghi trong Tờ khai Căn cước công dân.

Như vậy, nếu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được sử dụng, người dân không phải mang theo giấy tờ gì khi đi làm Căn cước công dân gắn chip (mất CMND cũng không ảnh hưởng gì).

Trường hợp xuất trình hộ khẩu, người dân chỉ phải xuất trình các giấy tờ tiếp theo như khai sinh, Chứng minh nhân dân cũ hoặc giấy tờ khác để kiểm tra, đối chiếu khi thông tin trong hộ khẩu chưa đúng, chưa đủ.

Vì vậy, khi làm Căn cước công dân gắn chip, CMND không có nhiều ý nghĩa. Chủ yếu việc xuất trình CMND để chứng minh thông tin (có thể chứng minh bằng giấy khai sinh, thẻ Đảng...). Trong các thủ tục đổi từ CMND sang Căn cước công dân cũng không có quy định nào về việc phải xin xác nhận mất CMND khi đi làm Căn cước công dân gắn chip.

Nếu còn CMND cũ, Công an sẽ cắt góc hoặc thu hồi tùy theo tình trạng thẻ. Nếu thẻ bị mất thì không cần tiến hành các bước này.

Dù bị mất CMND nhưng khi làm Căn cước công dân, công dân vẫn được cấp giấy xác nhận số CMND khi có yêu cầu. Cụ thể, theo Thông tư 40/2019/TT-BCA, trường hợp công dân mất CMND 9 số khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân 9 số đã mất, trả cho công dân cùng với thẻ Căn cước công dân.

Tĩnh Nguyễn
Cùng chuyên mục