Mekophar: Thu lãi triệu đô từ dịch vụ ngân hàng tế bào gốc

11/05/2021 10:28 GMT+7
Dù gặp khó khăn do doanh thu bán thuốc thành phẩm gần như đi ngang, không có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, Mekophar lại đang "ăn nên làm ra" với mảng dịch vụ ngân hàng tế bào gốc.

Từng là một trong 5 doanh nghiệp Dược lớn ở trên trị trường Việt Nam, nhưng lợi nhuận CTCP Hoá - Dược phẩm Mekophar (UPCoM: MKP) tụt dốc chưa có dấu hiệu dừng trong những năm gần đây khiến Cổ đông của doanh nghiệp đã liên tiếp đặt dấu hỏi đến năng lực và vai trò của Ban lãnh đạo MKP.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của MKP trong những năm gần đây, có thể thấy rằng Mekophar gặp khó khăn do doanh thu bán thuốc thành phẩm gần như đi ngang, không có sự tăng trưởng. Bù lại, Mekophar lại đang "ăn nên làm ra" với mảng dịch vụ ngân hàng tế bào gốc.

Điều kỳ diệu mang tên tế bào gốc

Theo tìm hiểu, tế bào gốc là những tế bào tiền thân, có khả năng tự tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào, các mô, các cơ quan khác nhau của cơ thể. Khi trưởng thành sẽ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các mô, cơ quan khác nhau của cơ thể.

Từ những năm đầu của thập niên 80, máu cuống rốn của trẻ sơ sinh đã được xác nhận chứa một nguồn dồi dào tế bào gốc hệ tạo máu có thể thay thế cho tế bào gốc tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi trong điều trị các bệnh lý thuộc hệ tạo máu và gần đây người ta cũng phát hiện và phân lập được thêm tế bào gốc trung mô và biểu mô có trong máu cuống rốn và ghép tế bào gốc máu cuống rốn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực y khoa khác: bệnh lý da, giác mạc, tim mạch, xương khớp, thần kinh, tiểu đường type I, v.v…

Mekophar: Thu lãi triệu đô từ dịch vụ ngân hàng tế bào gốc - Ảnh 1.

Nguồn: Mekostem

Ngoài ra, trong trường hợp nếu gia đình có người mắc bệnh cần tế bào gốc để điều trị thì khả năng phù hợp giữa người bệnh và mẫu tế bào của con sẽ cao hơn so với mẫu tế bào của người không cùng huyết thống. Vì thế có thể ví cất giữ tế bào gốc như một hình thức “bảo hiểm sinh học”.

Tại Việt Nam, năm 1995 là năm đầu tiên tại Việt Nam, bệnh viện Huyết học – Truyền máu TP. HCM đã tiến hành ca ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bệnh máu.

Hiện nay, ngoài Mekophar, có thể kể thêm một số bệnh viện đang phát triển mô hình này bào gồm: Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương, Bệnh Viện Phụ Sản Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Trung ương, Ngân hàng tế bào gốc Trung Ương, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Bệnh Viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng.

Thu lãi triệu đô từ dịch vụ ngân hàng tế bào gốc

Nhờ những tác dụng ưu việt này mà dịch vụ ngân hàng tế bào gốc ngày càng được nhiều người lựa chọn, từ đó, đưa lại doanh thu không nhỏ trong cơ cấu sản xuất kinh doanh của các Bệnh viện.

Đơn cử như tại Mekophar, năm 2009 là năm đầu tiên doanh thu từ dịch vụ Ngân hàng tế bào gốc xuất hiện trên báo cáo tài chính của MKP với 2,4 tỷ đồng, đến năm 2012, doanh thu dịch vụ này tăng 7 lần lên 16 tỷ đồng. Ngân hàng tế bào gốc tiếp tục tăng trưởng gấp 3 lần, đạt 55 tỷ đồng năm 2016. Và đạt đỉnh 61 tỷ đồng năm 2018 và 2019.

Mekophar: Thu lãi triệu đô từ dịch vụ ngân hàng tế bào gốc - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh mảng dịch vụ ngân hàng tế bào gốc

Tương ứng với đó, lãi gộp cũng tăng trưởng từ 35 tỷ đồng, từ ngưỡng 10 tỷ đồng năm 2012 đến 45 tỷ đồng năm 2018.

Năm 2020, doanh thu thuần từ dịch vụ ngân hàng tế bào gốc đạt 59,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2019. Qua đó, lợi nhuận gộp năm 2020 từ mảng dịch vụ ngân hàng tế bào gốc 41 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu từ dịch vụ tế bào gốc chiếm khoảng 5% doanh thu của Mekophar nhưng đóng góp đến 16% lợi nhuận gộp của toàn công ty.


Quang Dân
Cùng chuyên mục