Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, đến năm 2030, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới.
Đề án phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40% (trong đó tôm đạt 60%, cá tra đạt 10%, cá ngừ đạt 70%, mực và bạch tuộc đạt 30%, thủy sản khác đạt 30%).
Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên.
Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới.
Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 - 45.000 tỷ đồng. Góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14-16 tỷ USD.
Tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2021, ngành chế biến xuất khẩu tôm vẫn duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số.
Cơ hội mở rộng thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng tạo động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp ngành tôm đẩy mạnh đầu tư nhà máy và vùng nguyên liệu cho mục tiêu phát triển dài hạn.
Hai trong năm nhiệm vụ để "Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030" thành công là kiểm soát, phát triển nguồn nguyên liệu và đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả chế biến thủy sản. Hai nhiệm vụ nói trên hiện đã được các doanh nghiệp lớn trong ngành chuẩn bị từ đầu năm 2020.
Tại đại hội đồng cổ đông đầu năm 2021, Công ty cổ phần Thuỷ sản Vĩnh Hoàn (VHC) của "nữ hoàng" cá tra Trương Thị Lệ Khanh đặt ra kế hoạch đa dạng hóa hoạt động kinh doanh cốt lõi và trở thành công ty F&B, đầu tư mạnh vào một số dự án với kỳ vọng sẽ tạo ra dòng tiền bền vững trong tương lai.
Thương vụ đầu tiên của Vĩnh Hoàn trong kế hoạch này đó là thâu tóm Công ty xuất nhập khẩu Sa Giang, một trong những đơn vị sản xuất bánh phồng tôm hàng đầu tại Việt Nam với thị phần ở mức 80%. Thương vụ M&A được VHC chuẩn bị từ năm 2020 và hoàn tất năm tháng 4/2021.
Phía Vĩnh Hoàn cho biết, động thái thâu tóm này cũng giúp hỗ trợ các sản phẩm phi lê cá tra của doanh nghiệp thâm nhập tốt hơn đến các kênh bán lẻ tại thị trường nước ngoài, thông qua tận dụng mạng lưới phân phối hiện hữu của Sa Giang.
Bên cạnh đó, dự án thức ăn thủy sản mới với công suất 350 nghìn tấn/năm, chi phí đầu tư khoảng 500 tỷ đồng cũng được triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng vào cuối năm nay.
Vĩnh Hoàn cho biết cũng có kế hoạch sử dụng một phần nhà máy hiện có để thử nghiệm sản xuất cá hồi cho Mitsubishi. Dự án thử nghiệm này sẽ bắt đầu vào tháng 8/2021 và Mitsubishi sẽ đánh giá sản phẩm trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) của "vua tôm" Lê Văn Quang đã công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2021.
Với mục tiêu doanh thu MPC đạt 15.774 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.092 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 62% so với thực hiện năm 2020. Nếu hoàn thành mục tiêu lợi nhuận này, MPC sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử.
Song song với đó, MPC kỳ vọng sản lượng xuất khẩu năm nay sẽ đạt 61.500 tấn, tăng trưởng 11,8%; giá trị xuất khẩu đạt 638 triệu USD, tăng trưởng 8,5% cùng kỳ.
Để hiện thực hóa kế hoạch này, MPC cho biết sẽ tiếp tục giữ vững vị thế doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu trong và ngoài nước. Ngoài chiến lược bám trụ các thị trường chính, doanh nghiệp dự kiến đa dạng hóa thị trường tiêu thụ tôm, tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường châu Âu (EU) nhằm tận dụng hiệp định EVFTA và UKVFTA.
Đồng thời, doanh nghiệp sẽ giảm xuất khẩu vào Mỹ (thị trường chính), cùng với đó là tăng cường hoạt động tại các thị trường Úc và New Zealand, Nhật Bản, Canada. MPC cũng sẽ nghiên cứu và mở rộng thêm các sản phẩm chế biến sâu.
Hiện doanh nghiệp đang tiếp tục đẩy nhanh dự án đường ống dẫn nước biển nhằm điều tiết nước phục vụ nuôi tôm tại vùng nuôi Minh Phú Kiên Giang, dự kiến đưa vào hoạt động vào giữa năm 2021.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao phát triển chuỗi giá trị tôm với quy mô 10.000 ha tại Kiên Giang.
Năm 2021, Công ty cổ phần Camimex Group (CMX - sàn HOSE) định hướng phát triển thành tập đoàn với các công ty thành viên, mỗi công ty phụ trách một mảng riêng biệt và cùng tham gia vào chuỗi liên kết giá trị (mảng nuôi tôm sinh thái, mảng nuôi thủy sản công nghệ cao, mảng chế biến xuất khẩu thủy sản).
Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm vào nhà máy chế biến tại Zone 1 (nhà máy số 1 và 3) để nâng cao công suất chế biến tôm lên 20.000 tấn thành phẩm/năm. Đồng thời, công ty dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy cá và kho lạnh tại doanh nghiệp thành viên và hoàn tất thủ tục giao dịch UPCoM cho công ty con.
Trước đó, CMX dự kiến sẽ dùng số vốn này để bổ sung vốn lưu đông và cơ cấu lại các khoản nợ. Tuy nhiên, CMX lại thay đổi mục đích sử dụng vốn nhằm mở rộng quy mô, sản phẩm thông qua việc gia tăng đầu tư sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp mục tiêu: CTCP Camimex Foods, Công ty TNHH LD Công nghệ cao Camimex (Camimec Hitech).
Theo CMX, với mục tiêu nâng tỷ lệ tự chủ, kiểm soát được nguồn nguyên liệu, thành phẩm, tiết giảm chi phí trung gian, CMX định hướng sẽ xây dựng chuỗi giá trị tôm khép kín, phát triển thành tập đoàn với nhiều công ty thành viên. Trong đó, mỗi Công ty sẽ phụ trách một mảng riêng biệt nhưng vẫn liên kết thành chuỗi giá trị.
Trong khi đó, năm 2021 CTCP Thực phẩm Sao ta (FMC) đã đặt mục tiêu doanh thu là 4.650 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 250 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,3% và 5,7% so với thực hiện năm trước.
Cùng với đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng dự kiến trình đại hội kế hoạch chia cổ tức năm 2020 và 2021 với tỷ lệ 20%.
Để chinh phục mục tiêu đề ra, FMC đưa ra một loạt giải pháp như tái cấu trúc, hình thành một doanh nghiệp thành viên nhằm tận dụng thời cơ từ Covid-19 để đột phá hoạt động.
Về mảng nuôi tôm, FMC sẽ giữ vững diện tích nuôi 270 ha, phấn đấu tự chủ 25-30% nguyên liệu và nỗ lực tăng thêm 100ha nuôi tôm. Trong chế biến, FMC dự kiến triển khai giai đoạn mới, tập trung các yếu tố cơ giới hóa tiến tới tự động hó,a, tiết kiệm trong việc mở rộng quy mô sản xuất.
Đối với lĩnh vực nông sản, FMC cho biết sẽ phát huy những mặt hàng đặc thù có tỷ suất lợi nhuận tốt, mở rộng quy mô sản xuất tập trung vào mảng nông thủy sản phối chế cung ứng các chuỗi bán lẻ.
Được biết, cuối năm 2020, FMC đã tách hoạt động nhà máy An San và STSF để hình thành doanh nghiệp thành viên Khang An. Hiện tại, FMC và pháp nhân mới này đang xây dựng nhà máy mới trong khu công nghiệp An Nghiệp, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2022; công suất chung 20.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 400 tỷ đồng.
Ngay đầu năm 2021, Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã khai trương nhà máy chế biến tôm An An tại Tiền Giang, có khuôn viên gần 3ha, với mức đầu tư trên 400 tỷ đồng, công suất chế biến khoảng 50 tấn tôm thành phẩm/ngày cùng với kho lạnh công suất 3.000 tấn.
Một trong các mục tiêu của Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 là hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới.
Đây chính là động lực để các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng nuôi nguyên liệu.
Tại “Đối thoại 2045” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào tháng 3/2021, "vua tôm" Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, hiện nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản, đặc biệt là tôm, đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn.
Để đón đầu những cơ hội mới, Minh Phú đã xây dựng kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh xanh sạch, hữu cơ tuần hoà và cân bằng carbon, sẽ được triển khai xây dựng với các hình mô hình chính:
Khu phức hợp nuôi Tôm công nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn được quản lý bằng ứng dụng di động thông minh (Mobile app) - Khu phức họp nuôi tôm sú quảng canh tuần hoàn vừa sức tải của môi trường - Khu phức hợp nuôi tôm sú rừng đước hữu cơ, tuần hoàn vừa sức tải của môi trường - Khu phức họp nuôi tôm sú-lúa hữu cơ (2 vụ tôm sú + 1 vụ lúa chung với tôm càng) tuần hoàn vừa sức tải của môi trường.
Đặc biệt, Minh Phú đã kết hợp công nghệ AI và nền tảng Blockchain để xây dựng một ứng dụng di động thông minh (Mobile app) quản lý nuôi tôm, được thiết kế riêng cho từng đối tượng người dùng. Ứng dụng cho phép người nông dân, kỹ sư, nhà quản lý, người thu mua, nhà máy sản xuất, các đơn vị tài chính như ngân hàng, bảo hiểm,... truy cập vào cơ sở dữ liệu và nhận được thông tin về tình hình nuôi trồng theo thời gian thực; giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu chi phí sản xuất cho cả chuỗi giá trị.
Với việc phát triển các mô hình sản xuất tôm bền vững, Việt Nam hoàn có thể trở thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị sản xuất đạt 20 tỷ USD vào năm 2045, ông Lê Văn Quang nhận định.
Để thực hiện được điều này, ông Quang cho rằng cần sự chấp thuận và ủng hộ của Nhà nước và đề xuất chính quyền các cấp tạo ra các hành lang pháp lý cũng như các cơ chế, chính sách thông thoáng để các dự án được triển khai trong thời gian nhanh nhất có thể.
Cụ thể, DN được tiếp cận và giải ngân vay ưu đãi các nguồn vốn hỗ trợ phát triển của Chính phủ; được tiếp cận và vay các nguồn vốn từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính nước ngoài. Các dự án triển khai được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động và hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong các năm tiếp theo của dự án.
Cán bộ công nhân viên và dân cư trong vùng dự án hưởng thuế suất thu nhập cá nhân là 15% trên tổng thu nhập của họ. Nhà nước quy hoạch và đầu tư các công trình cấp nguồn nước biển sạch xa bờ cho các vùng nuôi tôm lớn để đảm bảo nguồn cung tôm sạch xuất khẩu.
"Nếu có được những sự hỗ trợ trên, chúng tôi tự tin rằng chuỗi giá trị tôm này sẽ thu hút được sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ nhiều nguồn lực khác nhau... để cùng xây dựng một hệ sinh thái tôm hoàn chỉnh, bền vững, và thành công", ông Lê Văn Quang nói.
Tương tự, cùng với xây dựng nhà máy chế biến tại Tiền Giang, Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cũng phát triển vùng nuôi tôm 200ha tại Ba Tri, Bến Tre và có kế hoạch sẽ mở rộng hơn nữa trong tương lai.
Ông Trần Văn Lĩnh Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết mục tiêu của Thuận Phước là mở rộng đầu tư vào nuôi trồng và chế biến tại khu vực Bắc Sông Hậu (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh...), đưa khu vực này trở thành vùng trọng điểm cung ứng nguyên liệu cũng như tạo sự chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của công ty.
Trong khi các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang đã phát triển nuôi và chế biến tôm nhiều năm với mật độ nhà máy cao thì khu vực Bắc Sông Hậu vẫn còn nhiều quỹ đất có thể chuyển đổi sang nuôi tôm sau khi bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.
Phát triển vùng nuôi tôm ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long không chỉ giúp các doanh nghiệp chế biến chủ động nguồn nguyên liệu, kiểm soát chất lượng và đáp ứng xuất xứ cho sản phẩm xuất khẩu mà còn phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia, nếu doanh nghiệp chỉ đầu tư nhà máy, mở rộng vùng nguyên liệu là chưa đủ mà cần chủ động chia sẻ trách nhiệm, hỗ trợ cơ quan quản lý thúc đẩy việc cấp chứng nhận vùng nuôi càng sớm càng tốt.
Ảnh: VHC, CMX, MPC....