"Mưa vàng" giải khát miền Tây

13/04/2020 14:42 GMT+7
Cơn mưa to trên diện rộng sáng 13/4, tắm mát hàng trăm nghìn ha lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái đặc sản đang khô cháy trong cơn hạn mặn.

Tại Bến Tre, mưa trút xuống nhiều nơi khiến người dân và ngành chức năng vui mừng. "Mưa rất to, kéo dài hơn 30 phút đã tưới mát hơn 10.000 cây ăn trái, hoa kiểng, cây giống trên địa bàn đang oằn mình trong cơn hạn mặn gay gắt nhất từ trước đến nay", tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Lách nói và cho biết, cơn mưa này còn có tác dụng lớn là rửa và đẩy dần nước mặn ra khỏi mương vườn, kênh rạch.

Theo ông Liêm, mấy tháng qua, hạn mặn làm cho 50% diện tích canh tác nông nghiệp của huyện bị mất mùa; thiệt hại cho nông dân rất lớn.

"Mưa vàng" giải khát miền Tây - Ảnh 1.

Đường Trần Văn Hoài ở trung tâm Cần Thơ ngập úng cục bộ từ cơn mưa sáng 13/4. Ảnh: Cửu Long.

Ở nhiều địa phương Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp... mưa nặng hạt đổ xuống trong 30-80 phút. "Cơn mưa đầu mùa này giúp gần một ha mít, bưởi Năm Roi, sầu riêng của gia đình tôi có nước tưới rồi", ông Nguyễn Văn Khanh, ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, phấn khởi.

Tại cuối nguồn sông Hậu, ông Lâm Văn Vũ - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Long Phú, tỉnh Sóc trăng cho biết, cơn mưa lướt qua hơn 10 phút cũng giúp giải nhiệt cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp của huyện nhiều tháng liền khô khát trong hạn mặn khốc liệt.

Hay tin các tỉnh, thành phía trên thượng nguồn mưa to, ông Vũ vui mừng nói: "Nước mưa sẽ đổ ra sông Hậu rồi về vùng hạ nguồn, đẩy nước mặn ra biển. Chúng tôi sẽ mở cống đưa nước ngọt vào phục vụ người dân sản xuất".

Kỹ sư Phan Hải Dương - dự báo viên khí tượng (Đài khí tượng thủy văn Cần Thơ) cho biết, theo ảnh mây vệ tinh, đợt mưa trái mùa bắt đầu từ hôm nay đến ngày 15-16/4. "Lượng mưa đo được tại Cần Thơ từ 8h40 đến 10h là hơn 43 mm. Đây là cơn mưa to", kỹ sư Dương nói.

Theo ông Dương, đợt mưa trái mùa này với lưu lượng lớn sẽ giúp "giải khát" cho miền Tây đang trong thời kỳ khô hạn, xâm nhập mặn nặng nề. Tuy nhiên, nhà nông cần đề phòng tình huống mưa cũng có thể cuốn theo chất ô nhiễm vào nguồn nước khiến việc nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.

Theo Viện khoa học thủy lợi miền Nam, có mưa nhưng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang trong đợt cao điểm hạn mặn nghiêm trọng. Từ ngày 8 đến 15/4, trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, ranh mặn 4 phần nghìn vào sâu 95-105 km; trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 50-55 km; sông Hàm Luông 70-75 km; sông Cổ Chiên 50-55 km; sông Hậu, sông Cái Lớn 45-65km.

Đến nay, hạn mặn kéo dài gần sáu tháng gây thiệt hại 43.000 ha lúa, trong đó nặng nhất là Trà Vinh gần 20.000 ha, Sóc Trăng trên 5.700 ha, Long An trên 5.300 ha, Kiên Giang gần 5.000 ha... Ngoài ra, hàng nghìn ha vườn cây ăn trái cũng bị thiệt hại. Khoảng 80.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, chủ yếu ở Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An, Trà Vinh.


Cửu Long/VNE
Cùng chuyên mục