Muốn Trung Quốc ký thỏa thuận, Trump phải dỡ bỏ thêm thuế quan?

05/11/2019 12:56 GMT+7
Trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán Mỹ Trung, Bắc Kinh hiện đang cố gắng thuyết phục Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ thêm lệnh trừng phạt thuế quan 15% với 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực hồi tháng 9 như một phần trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sắp ký kết.

Đàm phán Mỹ Trung: Bắc Kinh yêu cầu Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ thêm thuế quan

Thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 dự kiến sẽ được ký kết trong tháng 11 với nội dung bao gồm việc Trung Quốc cam kết nhập khẩu 50 tỷ USD nông sản Mỹ, điều chỉnh lại các thể chế luật pháp liên quan đến dịch vụ tài chính và sở hữu trí tuệ vốn bị Nhà Trắng chỉ trích bao lâu nay. Bù lại, Mỹ đồng ý đình chỉ mức thuế quan bổ sung 30% với 250 tỷ USD hàng hóa có hiệu lực vào 15/10.

Tuy nhiên hôm 5/11, nguồn tin đăng trên tờ CNBC cho hay phái đoàn thương mại Bắc Kinh muốn bổ sung vào nội dung thỏa thuận một điều khoản yêu cầu Mỹ dỡ bỏ mức thuế quan 15% với 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực hồi đầu tháng 9. 

Thực chất, chính quyền Tập Cận Bình từ lâu đã yêu cầu Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan trong tiến trình đạt đến một thỏa thuận thương mại cuối cùng. Nhưng Nhà Trắng cho đến nay chỉ cam kết đình chỉ mức tăng thuế vào 15/10, đồng thời giữ nguyên kế hoạch thuế quan dự kiến có hiệu lực vào 15/12 với 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bao gồm cả smartphone, laptop, đồ chơi và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.

Muốn Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại, Trump phải dỡ bỏ thêm thuế quan? - Ảnh 1.

Trung Quốc muốn Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ thêm thuế quan để thúc đẩy thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1

Một nguồn tin khác tiết lộ Bắc Kinh không chỉ muốn Donald Trump đình chỉ mức thuế quan 15% với 120 tỷ USD hàng hóa có hiệu lực hôm 1/9, mà còn thúc đẩy Washington gỡ bỏ hoặc giảm nhẹ mức thuế 25% đánh lên 250 tỷ USD hàng hóa có hiệu lực hồi tháng 6. Nguồn tin này tiết lộ Trung Quốc đang thúc ép Mỹ loại bỏ tất cả hàng rào thuế quan càng sớm càng tốt nếu muốn nước này ký vào thỏa thuận thương mại cuối cùng.

Không riêng gì CNBC, tờ thời báo chính trị Politico trước đó cũng trích dẫn các nguồn tin rằng phía Trung Quốc đề nghị Mỹ loại bỏ thêm mức thuế có hiệu lực hồi tháng 9 như một điều khoản trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tờ Financial Times còn tiết lộ Nhà Trắng hiện đang xem xét liệu có nên gỡ bỏ mức thuế hồi tháng 9 để đạt tới thỏa thuận Mỹ Trung như thị trường kỳ vọng hay không.

Ông Ralph Winnie, giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Eurasia cho hay một thỏa thuận thương mại Mỹ Trung lúc này sẽ là động lực thúc đẩy quan trọng cho sự tăng trưởng của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời mang đến cho Tổng thống Trump một lợi thế đặc biệt là sự ủng hộ của người nông dân trước thềm bầu cử Tổng thống 2020. 

“Cả hai nước đều có được lợi ích to lớn khi ký vào thỏa thuận thương mại quan trọng này” - Ralph Winnie nhấn mạnh. Do đó, có lý do để Nhà Trắng xem xét tiếp tục dỡ bỏ thuế quan đánh lên hàng hóa Trung Quốc.

Thỏa thuận Mỹ Trung đầy rủi ro?

Kể từ khi Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã được khơi mào như một đòn bẩy thúc đẩy Bắc Kinh giải quyết các vấn đề thương mại không lành mạnh gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế Mỹ.

Chính quyền Donald Trump dùng hàng loạt đòn trừng phạt thuế quan và hạn chế đầu tư trong nỗ lực buộc Bắc Kinh chấm dứt các khoản trợ cấp cho Doanh nghiệp nhà nước và ngừng hành vi buộc Doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc để được tiến vào thị trường đại lục. Nhìn chung, vấn đề chuyển giao công nghệ và trợ cấp nhà nước mới là mâu thuẫn cốt lõi trong xung đột thương mại Mỹ Trung.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 không thể nào giải quyết triệt để các mâu thuẫn cốt lõi kể trên. Thực chất, nội dung thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 chỉ tập trung vào vấn đề tăng cường nhập khẩu nông sản và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Mỹ. Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế từ Đại học Renmin do đó nhận định hiện vẫn là quá sớm để lạc quan về mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. 

“Hiện tôi chưa thấy nhiều bằng chứng cho thấy mối quan hệ song phương Mỹ Trung đã được cải thiện đến mức đạt tới thỏa thuận cụ thể và ký kết thỏa thuận trong thời gian ngắn” - ông Shi Yinhong nhấn mạnh.

Còn Charles Boustany, cựu nghị sĩ Louisiana, hiện giữ vai trò cố vấn tại Cục nghiên cứu quốc gia châu Á thì nhận định bất cứ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Trung Quốc vào thời điểm này sẽ chỉ mang tính chất ngắn hạn và đầy rủi ro bất ổn. “Mặc dù thị trường lạc quan về thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1, chúng tôi không nghĩ nó có thể mở ra con đường giải quyết một mâu thuẫn cốt lõi nào. Đa số các xung đột vẫn ở nguyên trạng và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp diễn những gì họ đang làm”. 

Một số nhà phân tích còn quan ngại ngay chính nội dung thỏa thuận giai đoạn 1 đề cập đến vấn đề tăng khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn do sự thiếu nhất quán trong bộ luật đầu tư nước ngoài mà Bắc Kinh vừa ban hành. Một vấn đề đáng lưu ý trong dự thảo luật đầu tư mới của nước này là không giải quyết triệt để sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, điều mà Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cùng Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc từ lâu đã chỉ ra.

Bất chấp những mối quan ngại, các nhà đàm phán hai nước hiện vẫn đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện văn bản thỏa thuận giai đoạn 1 cuối cùng trong tháng 11 như những gì Tổng thống Donald Trump đã tiết lộ với công chúng.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục