Mưu sinh ngày giáp Tết: Mỏi rã chân đẩy xe bán cát, hoa giả ngày kiếm 100.000 đồng

31/01/2021 07:47 GMT+7
Khi phố phường rạo rực không khí những ngày giáp Tết, cũng là lúc người lao động tại TP Đà Nẵng cố gắng "cày cuốc" với những công việc mùa vụ. Dù bươn chải thời điểm cuối năm lắm nhọc nhằn, vất vả, nhưng với họ đó là niềm kỳ vọng lớn về một cái Tết ấm no, đủ đầy.

Đẩy xe cát cả ngày kiếm được...100.000 đồng

Từ đầu tháng Chạp, người dân Đà Nẵng không khó để bắt gặp những xe chở đầy hoa đi khắp các con đường trên phố. Chỉ với một chiếc xe đạp cũ, nhiều người đã "hô biến" thành một sạp bán hoa giả "di động", mang sắc xuân đến gần hơn với phố phường những ngày giáp Tết Tân Sửu.

Đà Nẵng: Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh ngày cận Tết - Ảnh 1.

Cứ cận Tết Nguyên đán, chị Hà lại từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng để bán hoa giả dạo.

Nghỉ chân sau một đoạn đường dài, chị Lê Thị Hà (44 tuổi) tâm sự: "Cứ như mọi năm vào khoảng đầu tháng Chạp, tôi từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng để bán hoa giả. Nhập các loại hoa đủ màu sắc, kiểu dáng từ ngoài Bắc, tôi tự tách ghép tạo thành các nhánh, chậu hoa khác nhau để đem bán. Cứ mỗi sáng chất đầy hoa lên chiếc xe đạp "cà tàng", tôi đi bán dạo khắp các con đường, khỏe thì đi nhiều, mệt thì nghỉ rồi đi tiếp".

Đà Nẵng: Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh ngày cận Tết - Ảnh 2.

Đà Nẵng mưa lạnh thất thường, như làm nặng thêm nỗi nhọc nhằn của những phận đời mưu sinh.

Gắn bó với nghề bán hoa giả dạo đã nhiều năm, nhưng đây là lần đầu tiên chị Hà buôn bán ế ẩm đến vậy. Có những hôm trời mưa lạnh chị không bán được cành hoa nào, hôm nhiều nhất cũng chỉ được 200.000 đồng. Trừ đi tiền hàng thì chẳng lời bao nhiêu, thậm chí không đủ chi phí sinh hoạt.

Đồng cảnh ngộ với chị Hà là những người làm nghề bán cát lư hương. Từ rằm tháng Chạp, xung quanh các khu chợ xuất hiện nhiều xe chở đầy cát trắng, được mọi người mua về để thay cát cũ trong lư hương hoặc lấp mộ. Vì thế cát trắng được xem là mặt hàng không thể thiếu dịp Tết, nhưng hiện nay người bán cũng lắc đầu ngao ngán vì quá ế.

Đà Nẵng: Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh ngày cận Tết - Ảnh 3.

Kéo xe cát trắng đi cả ngày, ông Hội chỉ bán được 100.000 đồng.

Ngồi bên chiếc xe chở đầy cát trắng, ông Huỳnh Văn Hội (57 tuổi, huyện Hòa Vang) than thở: "Mọi năm cứ đến cận Tết Nguyên đán là tôi mua cát trắng về phơi và đãi sạch, kéo xe đi bán quanh các con phố, ngõ hẻm. Nhờ những xe cát này mà gia đình tôi có tiền để sắm Tết, nhưng năm nay mua bán ảm đạm quá, kéo một xe cát đi cả ngày cũng chỉ được chừng 100.000 đồng".

Được biết, ông Hội làm nghề thợ xây và bị thất nghiệp nhiều tháng nay, nên nghề bán cát lư hương dịp cận Tết là cơ hội để ông kiếm thêm thu nhập. Nếu như những năm trước ông có thể bán hết một xe cát/ngày, thu được 500.000-600.000 đồng, thì nay sản lượng giảm mạnh dù giá bán không tăng. Nguyên nhân chính vì có nhiều người cũng rơi vào cảnh thất nghiệp, nên phải mưu sinh bằng những xe cát để có tiền tiêu Tết.

Ngày lác đác 2 người thuê chở xe

Để chuẩn bị hoa cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu, làng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) cần một số lượng lớn lao động thời vụ làm việc ngắt búp hoa, cắt tỉa cành. 

Đà Nẵng: Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh ngày cận Tết - Ảnh 4.

Công việc thời vụ ngắt búp hoa cúc được trả 250.000 đồng/người/ngày.

Bà Nguyễn Thị Bảy (52 tuổi) chia sẻ: "Tôi tranh thủ lúc đồng áng rảnh rỗi để đi ngắt búp hoa cúc tại vườn gần nhà. Vốn đã quen dãi nắng dầm mưa nên khi đứng lặt búp cả ngày tôi không thấy vất vả lắm, được trả công khá cao 250.000 đồng/ngày. Nếu làm thường xuyên suốt 1 tháng cận Tết thì tôi có vài triệu đồng để chuẩn bị Tết đầy đủ và ấm cúng hơn".

Không có không khí làm việc nhộn nhịp như làng hoa, đội tài xế chuyên nhận chở hàng tại khu vực cầu vượt Ngã Ba Huế (quận Thanh Khê) bày tỏ sự ngao ngán vì quá ế ẩm. Nếu như mọi năm dịp cận Tết nhu cầu vận chuyển, chở hàng hóa tăng cao, thì năm nay chỉ lác đát vài người.

Ông Nguyễn Tôn Hậu (50 tuổi, quận Thanh Khê) cho biết, cả một năm không làm ăn được gì vì dịch Covid-19, đến cận Tết Nguyên đán ông chỉ mong chạy được nhiều chuyến hơn để có tiền sắm Tết, nhưng ngồi chờ cả ngày chỉ được 2 chuyến, mỗi chuyến từ 50.000-100.000 đồng tùy vào gần xa. Tình hình ế ẩm như vậy nhưng ông và nhiều người khác cũng chỉ biết bám nghề để tạo kế sinh nhai.

Đà Nẵng: Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh ngày cận Tết - Ảnh 5.

Mặc dù đang trong thời điểm cuối năm, nhưng dịch vụ chở hàng vẫn ế ẩm.

Càng cận kề Tết Nguyên đán, những người thợ của cơ sở đúc chậu cảnh Thăng Long (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) càng tất bật với các công đoạn hoàn thành những chiếc chậu cảnh. Vì được làm hoàn toàn thủ công, đắp chậu bằng tay nên mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi người thợ phải khéo tay, tỉ mỉ và thổi được cái hồn cho mỗi sản phẩm riêng biệt.

Đà Nẵng: Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh ngày cận Tết - Ảnh 6.

Vào dịp Tết, nhu cầu đúc chậu cảnh tăng cao nên các người thợ phải tăng cường làm việc.

Vừa tỉ mỉ đắp chậu, anh Nguyễn Văn Hoàng (30 tuổi, quê ở TP Huế) vừa phấn khởi nói: "Ngày thường tôi làm thợ xây, đến khoảng 2 tháng trước Tết thì tôi nhận làm thuê đắp chậu thủ công. Công việc này nhìn thì dễ, nhưng thật ra nó yêu cầu người thợ phải có tay nghề cao, đồng thời có con mắt thẩm mỹ và khả năng sáng tạo để tạo ra những linh vật, phong cảnh có hồn. Miệt mài với công việc này tôi được trả khoảng 700.000 đồng/ngày, có những lúc phải tăng ca để làm kịp tiến độ đơn hàng".

Đà Nẵng những ngày giáp Tết mưa lạnh thất thường, như làm nặng thêm nỗi nhọc nhằn của những phận đời mưu sinh. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì nhiều người không khỏi lo âu về một cái Tết ấm no, đủ đầy.

Tuyết Nhung - Trần Hậu
Cùng chuyên mục