Mỹ chính thức nới lỏng hạn chế thương mại nhắm vào Huawei
Chính phủ Hoa Kỳ vào hôm 20/5 (giờ Mỹ) đã tạm thời nới lỏng một số hạn chế thương mại áp đặt lên Huawei từ tuần trước, như một động thái hạn chế sự gián đoạn sử dụng dịch vụ cho khách hàng, đối tác của công ty sản xuất dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới.
Cụ thể, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ cho phép Huawei Technologies mua hàng hóa, linh kiện do Mỹ sản xuất để duy trì các kết nối mạng viễn thông hiện có; đồng thời cung cấp các bản cập nhật phần mềm cho các thiết bị di động thông minh của hãng này. Tuy vậy, Huawei vẫn bị hạn chế hoạt động nhập khẩu linh kiện nhằm mục đích sản xuất các dòng sản phẩm mới chưa có sự thỏa thuận cấp phép từ chính phủ Mỹ.
Động thái nhân nhượng này là để tạo điều kiện cho các nhà cung cấp viễn thông đang hợp tác, sử dụng hàng hóa linh kiện từ Huawei thời gian để tiến hành những thỏa thuận khác, Bộ trưởng Thương mại Mỹ ông Wilbur Ross cho hay.
Tuyên bố có hiệu lực trong vòng 90 ngày kể từ ngày ban hành; được dự kiến là sẽ tác động sâu sắc đến chuỗi cung ứng của Huawei, gây ra những hậu quả tức thời và không thể lường trước cho tất cả khách hàng của nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
“Mục đích của động thái bất ngờ này là để ngăn chặn hệ thống internet, mạng viễn thông, máy tính, điện thoại thông minh và tất cả dịch vụ cung cấp bởi Huawei ngừng hoạt động đột ngột” - Ông Kevin Wolf, một cựu quan chức của Bộ Thương mại cho biết. “Đây không phải một thỏa ước mang tính đầu hàng. Đây chỉ đơn thuần là sự bảo vệ quyền lợi các bên liên quan đang hợp tác cùng Huawei”.
Huawei hiện chưa có phản hồi sau động thái bất ngờ từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Về phía Bộ Thương Mại, các quan chức cho hay sẽ đánh giá việc có nên miễn trừ hạn chế sau 90 ngày hay không, dựa trên tình hình quan sát thực tế.
Trước đó, hôm thứ Năm 16/5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã bổ sung Huawei vào một danh sách đen về xuất nhập khẩu, gần như đóng băng hoạt động mua bán linh kiện điện từ của “gã khổng lồ Trung Quốc” trên thị trường Mỹ. 68 công ty, doanh nghiệp và thực thể pháp nhân trong danh sách đen được cho là liên quan đến các hoạt động đi ngược lại an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Hôm thứ Sáu 17/5, Reuters trích dẫn lời của một phát ngôn viên chính phủ cho hay Bộ Thương mại đang xem xét nới lỏng tạm thời các hạn chế thương mại trên đây, và đến thứ Hai 20/5 thì quyết định ủy quyền về vấn đề này được công khai như một thông báo chung tạm thời có hiệu lực đến hết ngày 19/8 (trong vòng 90 ngày). Trái với động thái “triệt hạ” Huawei đầy căng thẳng vài ngày trước, quyết định này cho phép Huawei tham gia vào phát triển các tiêu chuẩn cho mạng 5G trong tương lai.
Vào hôm Chủ nhật tuần qua, công ty mẹ của Google là Alphabet đã đình chỉ các hoạt động chuyển giao phần cứng, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật cho Huawei, như một sự hưởng ứng hạn chế thương mại mà chính quyền Trump áp đặt lên tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Hiện Google chưa có bình luận chính thức về lệnh nới lỏng hạn chế thương mại ngày 20/5, nhưng theo một nguồn tin nội bộ, Google có thể sẽ tạm dừng kế hoạch hạn chế quyền truy cập cũng như hoạt động chuyển giao công nghệ của Huawei.
Trong số 70 tỷ USD Huawei đã chi cho việc mua linh kiện vào năm 2018, các công ty sản xuất con chip của Mỹ là Qualcomm, Intel và Micron Technology thu về tới 11 tỷ USD.
“Tôi nghĩ hành động hạn chế thương mại này là một bài test thực tế” - chuyên gia luật thương mại Washington - ông Douglas Jacobson cho hay. “Qua đó, ta có thể hình dung Huawei và hàng hóa dịch vụ viễn thông, điện tử của hãng này có sức lan tỏa như thế nào trên toàn cầu và một khi Mỹ áp đặt các hạn chế sẽ mang đến tác động ra sao”. Jacobson cũng cho biết, sự cắt giảm hạn chế cũng như nỗ lực giữ cho mạng lưới viễn thông hoạt động hiện tại nhằm hướng tới lợi ích của các nhà cung cấp viễn thông Châu Âu và một số vùng nước Mỹ như bang Utah và miền đông Oregon - nơi dịch vụ, thiết bị của Huawei có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng lớn.
Ông Wolf, cựu quan chức Bộ Thương mại, cho biết hành động nới lỏng hạn chế tạm thời dành cho Huawei cũng tương tự với động thái hồi tháng 7 của Bộ để ngăn chặn hệ thống Internet ngừng hoạt động tức thời sau khi Hoa Kỳ đưa ZTE - một công ty linh kiện điện tử Trung Quốc có quy mô nhỏ hơn Huawei - vào danh sách đen. Lệnh cấm thương mại của Mỹ đối với ZTE không chỉ khiến công ty này lao đao mà còn tàn phá hoạt động của các nhà mạng không dây ở Châu Âu và Nam Á thời điểm đó.
Lệnh hạn chế thương mại với ZTE đã được dỡ bỏ vào ngày 13/7 sau khi công ty này chấp nhận một khoản tiền phạt 1 tỷ USD cùng 400 triệu đô la tiền ký quỹ đảm bảo và cam kết thay thế hoàn toàn bộ máy điều hành, từ ban giám đốc đến các quản lý cấp cao.