Mỹ đối mặt với "cú sốc lịch sử", các thống đốc kêu gọi thêm gói cứu trợ khổng lồ
Cố vấn kinh tế của Tổng thống Donald Trump, ông Kevin Hassett mới đây nhận định nền kinh tế Mỹ đang phải trải qua “một tình huống thực sự nghiêm trọng”.
“Đây là cú sốc lớn nhất mà nền kinh tế của chúng ta từng thấy, theo tôi. Chúng ta sẽ phải chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tiệm cận với những gì nền kinh tế đã trải qua trọng cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930”.
Những biện pháp hạn chế kiểm dịch trên khắp nước Mỹ có thể phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan virus SARS-CoV-2, nhưng sẽ là lực cản lớn cho nền kinh tế khi các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa khiến tình trạng thất nghiệp tăng vọt. Hơn 26 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 5 tuần gần đây, kể từ giữa tháng 3 đến nay. Doanh số bán lẻ giảm mạnh, tâm lý người tiêu dùng cũng sụp đổ nghiêm trọng do nỗi lo sợ dịch bệnh.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ CBO hồi tuần trước dự báo GDP Mỹ có thể sụt giảm gần 40% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ thất nghiệp dự kiến ở mức 16% trong quý III và duy trì ở mức hai con số suốt năm 2021. Chỉ vài tháng trước, khi đại dịch chưa bùng phát, nền kinh tế Mỹ chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp khoảng 3,5%, thấp nhất trong 50 năm.
Ông Kevin Hassett thậm chí còn dự báo tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 16% trong các báo cáo việc làm mà Bộ Lao động công bố trong tháng 5, khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục tăng. Ông Hassett nói thêm rằng mức suy giảm GDP quý II dự kiến sẽ là một con số lớn. “Tôi nghĩ rằng vài tháng tới sẽ là chuỗi ngày khủng khiếp. Bạn sẽ chứng kiến những con số tồi tệ hơn bất kỳ điều gì chúng ta từng thấy trước đây”, ông Hassett nói về viễn cảnh ảm đạm của dữ liệu kinh tế Mỹ. “Chúng ta sẽ cần những chính sách kích thích kinh tế rất lớn để thúc đẩy người dân lạc quan trở lại”.
Cho đến nay, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt các gói viện trợ kinh tế với tổng trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD để xoa dịu tác động từ đại dịch Covid-19. Cố vấn Kevin Hassett thậm chí tiết lộ các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục công bố gói kích thích trong 3-4 tuần tiếp theo để mang đến “cơ hội phục hồi hình chữ V” cho nền kinh tế. Mô hình phục hồi chữ V là mô hình mà nền kinh tế phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ ngay sau thời kỳ suy thoái sâu.
CBO trước đó dự kiến thâm hụt ngân sách liên bang có thể tăng 4 lần lên 3,7 nghìn tỷ USD do hàng loạt gói tăng cường chi tiêu, viện trợ kinh tế của chính phủ trong bối cảnh doanh thu thuế đóng góp vào ngân sách quốc gia giảm mạnh.
Thị trưởng Bill de Blasio của thành phố New York hôm 26/4 tuyên bố New York cần khoản viện trợ ít nhất 7,4 tỷ USD để bù đắp tổn thất kinh tế gây ra do đại dịch Covid-19. Nhiều thống đốc các bang, tiểu bang từ lưỡng đảng Mỹ cũng thúc đẩy Quốc hội đưa ra gói cứu trợ kinh tế khổng lồ trong giai đoạn khủng hoảng bệnh dịch hiện tại.
Đáp lại lời kêu gọi này, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ có các khoản viện trợ cho quốc gia và từng địa phương, và chúng tôi sẽ tung ra các gói viện trợ theo một phương thức ý nghĩa và hiệu quả.”
Tổng thống Trump cũng thể hiện sự sẵn sàng phê duyệt các gói viện trợ cho các tiểu bang, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Nhưng một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, bao gồm cả Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell cũng cảnh báo rủi ro từ những gói viện trợ khổng lồ như vậy, đặc biệt là rủi ro với gánh nặng nợ liên bang ngày một lớn.