Ngấm đòn thương chiến, Trung Quốc mất ngôi đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ
Mexico thay chân Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ
Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc nửa đầu năm 2019 đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 2.8. Sự suy giảm được đổ lỗi cho cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ đạt 271 tỷ USD, giảm mạnh so với con số 314 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, Trung Quốc đã tụt khỏi vị trí đối tác thương mại song phương lớn nhất của Mỹ, nhường chỗ cho Mexico và Canada.
Trong khi kim ngạch thương mại Mỹ Trung giảm, kim ngạch thương mại Mỹ - Mexico lại tăng 2,8% lên 309 tỷ USD. Cùng với đó, thâm hụt thương mại Mỹ - Mexico cũng tăng lên mức kỷ lục vào tháng 6. Kim ngạch thương mại Mỹ - Canada giảm 2% xuống còn 307 tỷ USD. Như vậy, Mexico hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, Canada xếp vị trí thứ hai, bỏ xa Trung Quốc ở vị trí thứ ba.
“Thuế quan đang tác động nặng nề đến thương mại song phương” - ông Michael Englund, nhà kinh tế học từ Action Economics, bang Colorado nhận định. “Mục tiêu của thuế quan là giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Nhưng thực chất, nó chỉ chuyển thâm hụt sang các quốc gia khác nhau và không có nhiều sự thay đổi trong tổng cán cân thương mại của Mỹ”. Trong tháng 6, thâm hụt thương mại của Mỹ chỉ giảm 0,3%, xuống còn 55,2 tỷ USD, theo dữ liệu hàng tháng từ Bộ Thương mại Mỹ. Hồi tháng 5, thâm hụt thương mại Mỹ là 55,3 tỷ USD.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài hơn một năm nay, song song với căng thẳng thuế quan giữa hai nền kinh tế. Sau khi hai nước thống nhất đình chỉ cuộc chiến thuế quan tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 Nhật Bản hồi cuối tháng 6, Mỹ cáo buộc Trung Quốc không tăng cường mua nông sản nước này như cam kết. Ông Trump hôm 1.8 tuyên bố áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ 1.9 ngay sau khi phái đoàn đàm phán Mỹ trở về nước sau vòng đàm phán tại Thượng Hải không thu được nhiều tiến bộ.
Đáp trả lại hành động của chính quyền Trump, Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa. Các quan chức Bắc Kinh biện minh rằng hàng triệu tấn nông sản Mỹ đang trên đường vận chuyển đến Trung Quốc, và họ đã cố gắng cắt giảm tối đa thâm hụt thương mại với Mỹ. Trong tháng 6, thâm hụt thương mại Mỹ Trung giảm 0,8% xuống còn 30 tỷ USD. Nhưng điều này không lay chuyển được chính sách cứng rắn của Trump.
David Silverman, giám đốc cấp cao của Fitch Ratings nhận định nhiều công ty đang chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác để tránh thuế quan, bất chấp chi phí sản xuất và vận chuyển tăng lên cùng với các rủi ro khi xây dựng nhà máy mới tại địa điểm mới. Quan ngại lớn nhất là mức thuế quan với 300 tỷ USD chủ yếu áp lên danh mục hàng hóa tiêu dùng, hàng điện tử và may mặc, điều chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng Mỹ, ông David cho biết thêm.