Ngành du lịch lao dốc, ASEAN có nguy cơ thâm hụt ngân sách 40 tỷ USD

19/03/2020 10:35 GMT+7
Nhu cầu du lịch giảm mạnh do sự bùng phát đại dịch virus corona (Covid-19) đang vùi dập nhiều nền kinh tế Đông Nam Á, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào doanh thu ngành du lịch.

Kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, nhu cầu du lịch quốc tế đã giảm càng thêm giảm thảm hại. Ước tính của tờ Nikkei Asian Review cho thấy có đến 8/10 quốc gia thuộc ASEAN có thể gánh chịu thâm hụt ngân sách khi lượng khách du lịch nước ngoài giảm một nửa do dịch bệnh.

Khu vực kinh tế ASEAN vốn đang phải vật lộn với thực trạng tỷ giá tiền tệ yếu và kinh tế chững lại do chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Giờ đây, khi dịch virus corona bùng phát làm giảm mạnh lượng khách du lịch quốc tế, nhiều quốc gia ASEAN có nguy cơ đối diện gánh nặng nợ thêm trầm trọng khi nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào ngành du lịch trong cơ cấu tăng trưởng.

Ngành du lịch lao dốc, ASEAN có nguy cơ thâm hụt ngân sách 40 tỷ USD - Ảnh 1.

Một điểm du lịch Thái Lan vắng khách khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu

Tại Bangkok (Thái Lan), một tài xế chở khách du lịch cho hay lượng khách Trung Quốc đã giảm 60-70% so với cùng kỳ năm ngoái khi dịch Covid-19 bùng phát. Cung điện Hoàng Gia Thái Lan, một trong những địa điểm thăm quan nổi tiếng nhất Bangkok giờ đây vắng tanh. Không còn hình ảnh khách du lịch tràn ngập những hành lang, lối đi quanh cung điện. Các cửa hàng lưu niệm và đồ ăn nhanh đã phải đóng cửa khi tình trạng ế ẩm thường xuyên diễn ra.

Theo thống kê, doanh thu ngành du lịch Thái Lan trong tháng 1/2020 đã giảm mạnh 4% so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong tháng 2 và tháng 3. Nhà điều hành khách sạn Minor International có trụ sở tại Bangkok đã ghi nhận tỷ lệ đặt phòng trên tổng số phòng chỉ ở mức hơn 50% trong tháng 2 và dự kiến sẽ ghi nhận khoản lỗ đáng kể trong quý I.

Thái Lan không phải quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch. Theo Nikkei Asian Review, doanh thu ngành du lịch đóng góp tới 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực ASEAN năm 2018. Tỷ lệ này cao thứ hai thế giới, chỉ sau vùng Caribbean, theo Hội đồng Du lịch Thế giới. Chi tiêu của du khách nước ngoài đã tạo ra 220 tỷ doanh thu cho ASEAN trong năm 2018, cao hơn cả doanh thu 160 tỷ USD từ than hóa dầu. 

Giờ đây, khi ngành du lịch trì trệ vì dịch Covid-19, Nikkei ước tính 10 quốc gia ASEAN có thể đối diện mức thâm hụt ngân sách gần 40 tỷ USD nếu lượng khách du lịch quốc tế giảm một nửa so với năm 2018. Lần gần đây nhất ASEAN chứng kiến thâm hụt tài khoản vãng lai là năm 1997, trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á. 

Thâm hụt ngân sách sẽ buộc các quốc gia dựa dẫm vào nguồn vốn vay nước ngoài, nhưng điều này cũng đồng thời làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ quốc gia. Hiện, nợ nước ngoài của Malaysia đã vượt quá 60% GDP, gấp đôi mức dự trữ ngoại tệ trong khi nợ của Indonesia cao gấp 3 lần dự trữ ngoại tệ. Nợ nước ngoài của Thái Lan cũng tăng 20% trong thập kỷ qua, lên mức 80% dự trữ ngoại tệ.

Công ty nghiên cứu Kasikorn của Thái Lan ước tính rằng thiệt hại kinh tế mà quốc gia này gánh chịu có thể lên tới 400 tỷ baht (12,58 tỷ USD) nếu đại dịch virus corona kéo dài cho đến tháng 9. Trước nguy cơ suy thoái kinh tế, Thái Lan đã phải tung nhiều gói tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ ngành du lịch đang lao đao. 

Singapore, một trong những quốc gia điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc cũng tung gói hỗ trợ 6,4 tỷ SGD (0,54 tỷ USD) trong ngân sách dự thảo năm tài khóa 2020 để hỗ trợ các ngành du lịch, bán lẻ và những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch.

Dễ thấy, khách du lịch quốc tế là một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn của các quốc gia Đông Nam Á, góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại Campuchia, doanh thu từ du khách nước ngoài chiếm 18% GDP trong khi con số này ở Thái Lan là 14%. Trung bình khối ASEAN, doanh thu từ du khách nước ngoài chiếm 5% GDP, cao hơn nhiều so với mức 1% của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các nhà phân tích dự kiến sự bùng phát dịch Covid-19 có thể thúc đẩy một số quốc gia Đông Nam Á xem xét lại chiến lược tăng trưởng theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào ngành du lịch.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục