Người đứng đầu WHO: 75% vắc xin về tay 10 nước giàu, thế giới bước vào làn sóng dịch mới

21/07/2021 17:09 GMT+7
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây nhận định thế giới đang trong giai đoạn đầu của một làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới.

Phát biểu với các thành viên Ủy ban Olympic Quốc tế ở Tokyo, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ ra rằng việc thế giới không chia sẻ vắc xin, các phương pháp xét nghiệm và điều trị Covid-19 đang thúc đẩy một làn sóng dịch bệnh khác. Tại các quốc gia có đủ nguồn lực vắc xin, việc mở cửa trở lại nền kinh tế tiếp tục thúc đẩy các ca nhiễm mới Covid-19 tăng lên trong khi các quốc gia nghèo và đang phát triển không được tiếp cận nguồn cung vắc xin đầy đủ cũng phải vật lộn để kiểm soát sự lây lan virus.

Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, sự khác biệt về khả năng tiếp cận vắc xin của các quốc gia trên thế giới ẩn chứa một “sự bất công kinh hoàng”.

“Đây không chỉ là một sự phẫn nộ về mặt đạo đức, mà còn là một thất bại về cả dịch tễ học và kinh tế” - Tổng giám đốc WHO khẳng định. Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đại dịch càng kéo dài thì các hệ quả kinh tế xã hội càng lớn hơn.

Người đứng đầu WHO: 75% vắc xin về tay 10 nước giàu, thế giới bước vào làn sóng dịch mới - Ảnh 1.

Người đứng đầu WHO: 75% vắc xin về tay 10 nước giàu, thế giới bước vào giai đoạn đầu của làn sóng dịch mới (Ảnh: AFP)

“Đại dịch là một phép thử và thế giới đang thất bại (trước phép thử đó) - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh. “19 tháng sau khi đại dịch bắt đầu xuất hiện và 7 tháng kể từ khi dòng vắc xin đầu tiên được phê duyệt, chúng ta giờ đây lại đang trong giai đoạn đầu tiên của một làn sóng dịch bệnh mới”. 

Theo ông Tedros, mối đe dọa toàn cầu từ đại dịch sẽ tiếp tục là thách thức lớn cho đến chừng nào tất cả các quốc gia trên thế giới có biện pháp xử lý với căn bệnh này. 

Thực tế, tại rất nhiều khu vực trên khắp hành tinh, từ Đông Nam Á cho đến châu Đại Dương, các ca nhiễm mới Covid-19 do biến chủng virus delta gây ra đang tăng cao. Tại Nhật Bản, các trường hợp nhiễm mới Covid-19 tăng lên ở Tokyo đã buộc chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, khiến Thế vận hội Tokyo diễn ra với không khán giả. Trong những ngày gần đây, các khu vực xung quanh thủ đô Tokyo báo cáo hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tốc độ triển khai vắc xin chậm hơn các quốc gia phát triển như Mỹ và EU đã khiến Nhật Bản ghi nhận tới 848.000 ca nhiễm Covid-19 và hơn 15.000 trường hợp tử vong kể từ đầu đại dịch đến nay.

Tại Đông Nam Á, các ca nhiễm mới Covid-19 không ngừng tăng lên đang cản trở đà phục hồi kinh tế của toàn khu vực, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Sean Darby - trưởng bộ phận chiến lược cổ phần toàn cầu  từ ngân hàng đầu tư Mỹ Jefferies. Ông Darby nhận định: “Indonesia cũng như nhiều nền kinh tế khác ở ASEAN vẫn chưa thực sự hiểu về virus gây ra đại dịch Covid-19. Đó dường như là gót chân Achilles của các nền kinh tế ASEAN lúc này”.

Khi biến chủng virus delta dễ lây nhiễm gây ra sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở hàng loạt quốc gia Đông Nam Á từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan cho đến Việt Nam, Goldman Sachs gần đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 cho toàn khu vực Đông Nam Á nói chung và các nền kinh tế lớn Đông Nam Á nói riêng.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của vắc xin trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng đại dịch lần này: “Vắc xin là công cụ mạnh mẽ và thiết yếu, nhưng thế giới đã không sử dụng chúng một cách hiệu quả”. Theo ông Tedros, thay vì triển khai tiêm chủng rộng rãi trên toàn cầu, vắc xin lại tập trung vào bàn tay một số quốc gia quyền lực. Theo ông, khoảng 75% tổng số liều vắc xin - hơn 3,5 tỷ mũi tiêm - đã được chuyển đến 10 quốc gia giàu có nhất trong khi chỉ có khoảng 1% dân số ở các quốc gia nghèo được tiêm ít nhất 1 mũi. 

WHO hiện đang kêu gọi một nỗ lực tiêm chủng toàn cầu để tiêm vắc xin cho ít nhất 70% dân số ở mọi quốc gia từ nay đến giữa năm 2022. “Đại dịch sẽ kết thúc nếu thế giới chọn cách kết thúc nó. Điều đó nằm trong tay chúng ta” - Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh. 

Ông Tedros  kêu gọi các nền kinh tế hàng đầu thế giới tăng cường chia sẻ vắc xin và tài trợ cho các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu để giúp các nước nghèo dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn cung vắc xin cần thiết lúc này.


NTTD
Cùng chuyên mục