Nguy cơ đánh nhầm, bỏ sót: Thuế lúng túng, doanh nghiệp gặp khó
Khó thu thuế
Bộ Tài chính vừa có báo cáo đánh giá vấn đề về thuế và quản lý thuế đối với kinh tế chia sẻ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo Bộ Tài chính, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo hình thức truyền thống và hoạt động kinh doanh theo hình thức kinh tế chia sẻ. Việc thu thuế đối với hoạt động kinh tế chia sẻ được thực hiện theo đúng quy định của Luật thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật quản lý thuế...
"Đối với loại hình kinh doanh có đăng ký bất kể là theo mô hình kinh tế chia sẻ hay mô hình kinh doanh truyền thống, cơ quan quản lý thuế cũng có thể thu đủ theo loại hình kinh doanh", Bộ Tài chính cho biết.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính thừa nhận thực tế đối với các doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, có doanh thu tại Việt Nam, chỉ nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức trực tiếp do không quản lý được chi phí đầu vào ở nước ngoài và không có trụ sở thường trú tại Việt Nam.
Điều này gây ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. "Khoảng trống về nghĩa vụ thuế của các loại công ty này trong kinh tế chia sẻ diễn ra tại Việt Nam cần được khắc phục", Bộ Tài chính nhấn mạnh và cho rằng hiện còn thiếu các cơ chế/chưa hoàn thiện chính sách quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.
Ví dụ, pháp luật Việt Nam đã có quy định cho loại hình dịch vụ chia sẻ phòng, cho dù là dịch vụ lưu trú qua trực tuyến hay qua ứng dụng công nghệ cao cũng cần phải tuân theo các quy định bắt buộc của pháp luật. Tuy nhiên, để có sự tuân thủ chặt chẽ đúng quy trình đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú theo mô hình kinh tế chia sẻ thì cần có sự phối hợp tích cực của các bên tham gia trong việc kê khai, cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, những doanh nghiệp đã hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam còn gặp khó khăn về kê khai thuế. Lý do là hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình kinh doanh này và các cơ quan thuế lúng túng khi xác định bản chất giao dịch để áp thuế.
Chẳng hạn, hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, start-up Log Lag đang gặp vấn đề về kê khai thuế do hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực này. Vì thế, Log Lag phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo doanh nghiệp vận tải, doanh thu phải hạch toán theo tổng giá trị giao dịch của chuyến hàng, với con số lớn hơn nhiều so với mức phí mà doanh nghiệp thực thu trong vai trò kết nối. Nếu được thực hiện theo cơ chế thử nghiệm chính sách, công ty này kỳ vọng sẽ giảm thiểu rủi ro về dòng tiền.
Trong khi đó, Công ty Luxstay Việt Nam hoạt động theo mô hình chia sẻ căn hộ. Sau một thời gian hoạt động và gọi thành công nhiều vòng gọi vốn triệu USD, công ty đang tính toán mở rộng ra các dịch vụ chia sẻ khác. Để làm được điều này, Bộ Tài chính cho rằng công ty này rất cần một cơ chế thử nghiệm chính sách thông thoáng.
Hạn chế dùng tiền mặt khi giao dịch trên mạng
Bộ Tài chính đánh giá các loại hình kinh doanh chia sẻ có "rủi ro thất thu thuế". Bởi các loại hình này áp dụng công nghệ kinh doanh trên mạng nên rất khó khăn cho cơ quan thuế trong việc xác định doanh thu của cơ sở để nộp thuế do các giao dịch của họ chủ yếu là các văn bản điện tử. Vì thế, phụ thuộc rất nhiều vào sự trung thực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.
Đối với nhà cung cấp dịch vụ trung gian là các nhà thầu nước ngoài, cơ quan quản lý cũng khó kiểm tra, giám sát và thu thuế của họ. Bởi họ không đặt văn phòng, chi nhánh ở Việt Nam. Việc quy định trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong nước có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài cũng khó khả thi bởi vì Việt Nam đã tham gia và ký kết 76 Hiệp định về tránh đánh thuế 2 lần nên các quy định về nộp thuế sẽ tuân thủ theo quy định tại các hiệp định này.
Riêng đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending), Bộ Tài chính cảnh báo rủi ro về thuế và quản lý ngoại hối do trường hợp người tham gia giao dịch là người không cư trú, điều này sẽ dẫn tới khó khăn trong quản lý ngoại hối và thu thuế. Hoặc nếu người tham gia cố tình lừa đảo, ẩn danh, mạo danh thì có thể không có khả năng truy thu thuế thu nhập.
"Ngoài ra, thực trạng sử dụng tiền mặt tại Việt Nam gây ảnh hưởng đến việc xác định giá trị các giao dịch khi tham gia các dịch vụ trên mạng, các cơ quan quản lý nhà nước đang khó kiểm soát về các giao dịch tiền mặt này", Bộ Tài chính chỉ rõ.
Để tăng cường quản lý thu thuế trong nền kinh tế chia sẻ, Bộ Tài chính cho rằng cần tổ chức tuyên truyền pháp luật về thuế trên các nền tảng thương mại điện tử như liên kết đường link các website về quản lý thuế trên các trang thương mại điện tử,...
Việc quản lý thuế đối với những nền tảng thương mại điện tử ở nước ngoài là "vấn đề rất khó". Theo kinh nghiệm quốc tế, cần có sự hợp tác giữa các nước hoặc tham gia vào các diễn đàn quản lý thuế hoặc sáng lập các diễn đàn quản lý thuế trong khu vực.... để thống nhất các thỏa thuận về cung cấp, chia sẻ thông tin... Hiện nay, Diễn đàn quản lý thuế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang xây dựng dự thảo quy tắc ứng xử đối với nền tảng kinh tế chia sẻ, trong đó nêu rõ các nội dung, giải pháp phối hợp giữa các quốc gia để quản lý thuế hiệu quả.
"Đề xuất Chính phủ có quy định hạn chế việc giao dịch tiền mặt khi thực hiện các giao dịch trên mạng, các công ty cung cấp dịch vụ chỉ áp dụng hình thức thanh toán qua các ngân hàng hoặc các trung gian thanh toán bằng hình thức chuyển khoản", Bộ Tài chính nêu ý kiến.