Nhà thầu duy nhất trúng thầu Dự án Khu tái định cư đồng Táng (Thanh Hóa) là ai?
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện 2 gói thầu xây lắp của 2 dự án khu dân cư.
Một trong hai gói thầu là Gói thầu số 04 Thi công xây dựng công trình (bao gồm cả mua sắm, lắp đặt thiết bị, chi phí hạng mục chung) của Dự án Khu tái định cư đồng Táng, đồng Đục, phường Quảng Châu, TP. Sầm Sơn, Công ty CP Kiến trúc SPT là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu với giá 70,622 tỷ đồng, tiết kiệm ngân sách được 125 triệu đồng.
Một phần nguồn vốn gói thầu được lấy từ ngân sách thành phố. Còn lại là các nguồn huy động hợp pháp khác (được hoàn trả từ nguồn thu tiền sử dụng đất của dự án). Theo quyết định, thời gian thực hiện hợp đồng là 540 ngày.
Chân dung CTCP Kiến trúc SPT: Liên tục tăng/giảm vốn điều lệ
CTCP Kiến trúc SPT (gọi tắt là Kiến trúc SPT) được thành lập ngày 27/3/2012, trụ sở chính đặt tại TP. Thanh Hóa. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ông Lê Văn Sang (SN 1986).
Ngành nghề hoạt động chính của Kiến trúc SPT là hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan, chi tiết như thiết kế công trình thủy lợi, giao thông; giám sát công trình dân dụng và công nghiệp, giao thông, hạ tầng kỹ thuật; lập dự án đầu tư, lập hồ sơ mời thầu và đánh giá kết quả hồ sơ thầu, tư vấn quản lý dự án, thẩm tra, thẩm kế và định giá các loại công trình.
Tháng 8/2014, Kiến trúc SPT thực hiện tăng vốn từ 2,5 tỷ đồng lên 9 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Lê Văn Sang nắm giữ 57,78% vốn (góp 5,2 tỷ đồng), Trương Đăng Khoa nắm giữ 25,56% (góp 2,3 tỷ đồng), Nguyễn Hoàng Phương nắm giữ 13,33% vốn (góp 1,2 tỷ đồng) và Trịnh Khắc Thao nắm giữ 3,33% vốn (góp 300 triệu đồng).
Tới tháng 5/2017, Kiến trúc SPT tiếp tục tăng vốn thêm 10 tỷ đồng lên 19 tỷ đồng. Trong đó, ông Trương Đăng Khoa đã thoái vốn, cổ đông sáng lập chỉ còn lại 3 thành viên. Cụ thể: Lê Văn Sang nắm giữ 71% vốn (góp 13,5 tỷ đồng), Trịnh Khắc Thai nắm 12,1% vốn (góp 2,3 tỷ đồng) và Nguyễn Hoàng Phương nắm giữ 16,84% vốn (góp 3,2 tỷ đồng).
Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 12/2018, Kiến trúc SPT lại giảm vốn điều lệ xuống còn 15 tỷ đồng. Tỷ lệ nắm giữ của cổ đông không bị biến động quá nhiều khi ông Sang vẫn giữ 70% vốn, bà Phương giữ 18% vốn và 12% vốn còn lại do ông Thao sở hữu.
Sau khi giảm vốn điều lệ, tháng 11/2019, Kiến trúc SPT bất ngờ tăng vốn điều lệ lên 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Tháng 6/2020, ông Sang thôi làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Dữ liệu Etime cho thấy, tại thời điểm này, bà Vũ Thị Uyên (SN 1984) được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, và là người đại diện theo pháp luật của Kiến trúc SPT.
Thay đổi hồi tháng 7/2021, Kiến trúc SPT đã tăng vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 12/2022, doanh nghiệp "đột ngột" giảm vốn điều lệ từ 250 tỷ đồng xuống còn 15 tỷ đồng. Dữ liệu thay đổi gần đây nhất, tháng 3/2024, Kiến trúc SPT lại tăng vốn lên 25 tỷ đồng.
Dữ liệu Etime cho thấy, Kiến trúc SPT đã tham gia 64 gói thầu, trong đó trúng 39 gói, trượt 21 gói, 4 gói chưa có kết quả và 0 gói bị hủy. Tổng giá trị trúng thầu lên đến hơn 4.276 tỷ đồng, trong đó, 2.538 tỷ đồng là các gói chị định thầu. Kiến trúc SPT cũng là một trong những nhà thầu quen mặt tại tỉnh Thanh Hóa khi đã tham gia thầu 29 gói tại địa phương này.
Trước đó, ngày 31/5/2021, UBND TP. Thanh Hóa ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần Kiến trúc SPT số tiền 50 triệu đồng.
Nguyên nhân do doanh nghiệp này đã có hành vi xây dựng các hạng mục công trình không đúng thiết kế được thẩm định, phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng tại dự án nhà ở khu đô thị mới Đông Sơn (đợt 1), phường An Hưng, TP. Thanh Hóa.
Ngoài ra, CTCP Kiến trúc SPT bị yêu cầu tháo dỡ các hạng mục công trình xây dựng không đúng với thiết kế xây dựng được thẩm định.