Nhật Bản dùng vệ tinh tìm, cứu người trong lũ lụt
Sky Perfect Jsat, công ty vệ tinh hàng đầu tại Nhật cho biết đang chuẩn bị khai thác 170 vệ tinh giám sát, ứng dụng vào việc tìm kiếm, cứu hộ trong các thảm họa thiên nhiên.
Công ty này cho hay hệ thống của mình sẽ đi vào hoạt động từ tháng 4/2021, và sau đó sẽ triển khai trên toàn châu Á. Trong số 170 vệ tinh, Sky Perfect Jsat chỉ vận hành 19 chiếc, đang được ứng dụng cho truyền thông và phát sóng.
Hệ thống này sử dụng ảnh chụp thông thường và ảnh radar của hàng loạt vệ tinh của nhiều công ty khác nhau bay ở quỹ đạo thấp. Dữ liệu bản đồ do Zenrin, công ty bản đồ lớn nhất của Nhật cung cấp. Bản đồ của Zenrin có thông tin tới các căn hộ, tòa nhà trên khắp nước Nhật, bao gồm cả những chi tiết như số tầng và cơ sở vật chất kiểu bệnh viện, nhà máy.
Với dữ liệu ảnh chụp và bản đồ, công ty tư vấn xây dựng Nippon Koei có thể phân tích và dự báo các cơ sở đã bị thiệt hại.
Từ dữ liệu và các báo cáo, cơ quan cứu hộ có thể nhanh chóng biết được khu vực, hạ tầng hay tòa nhà nào đã bị thiệt hại để lập kế hoạch ứng cứu tốt hơn. Dịch vụ này cũng cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin về thảm họa xảy ra ở khu vực của họ. Khách hàng của dịch vụ có thể là các cơ quan chính phủ hay doanh nghiệp với nhiều cơ sở trên khắp nước Nhật.
Theo Nikkei, ý tưởng sử dụng vệ tinh để theo dõi các thảm họa thiên nhiên không còn mới. Tuy nhiên, dự án của Sky Perfect Jsat hiện đại hơn với số lượng lớn vệ tinh được sử dụng, đồng thời kết hợp với các công ty bản đồ, tư vấn xây dựng hàng đầu, giúp phân tích hiệu quả hơn các hình ảnh, dữ liệu vệ tinh.
Dự án này cũng có thể cho thấy ứng dụng thực tế của những vệ tinh đang được khai thác không gian xung quanh Trái Đất. Sky Perfect Jsat cho biết công ty này dự định cung cấp dịch vụ tới nhiều nước châu Á, tuy nhiên sẽ cần kết hợp với các đối tác làm bản đồ địa phương.
Châu Á đang hứng chịu thiệt hại từ nhiều thiên tai. Vào tháng 7, lũ tại Nhật khiến 83 người chết. Ở miền Nam Trung Quốc, ước tính có khoảng 63 triệu người bị ảnh hưởng từ trận lụt lịch sử vào tháng 6. Đây được đánh giá là trận lụt lớn nhất từ năm 1961.
Trong các thảm họa thiên nhiên, lũ lụt, sạt lở và sự cố với mạng viễn thông có thể khiến cho việc nắm bắt thông tin tại hiện trường trở nên khó khăn. Đôi khi thông tin từ vệ tinh là cách duy nhất có thể để tiếp cận hiện trường.
Theo đánh giá của Nippon Koei, thị trường cho dịch vụ cứu nạn bằng vệ tinh có giá trị khoảng 333 triệu USD, nhưng sẽ lớn gấp 8 lần vào năm 2035.