Nhật Bản - Thị trường mới cho vải thiều Lục Ngạn

11/04/2019 13:34 GMT+7
Lục Ngạn là một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang nổi tiếng cả nước với đặc sản vải thiều mà không vùng đất nào có được. Bởi vậy việc xuất khẩu nông sản này ra thị trường thế giới để thu được lợi nhuận lớn nhất luôn là bài toán với nông dân cũng như chính quyền tỉnh Bắc Giang.

Lục Ngạn là một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang nổi tiếng cả nước với đặc sản vải thiều mà không vùng đất nào có được. Vải thiều Lục Ngạn khi chín có màu đỏ tươi, hạt nhỏ, cùi dày, ngọt sắc và giàu chất dinh dưỡng. Quả vải nơi đây to hơn và có hương vị đặc trưng khác hẳn vải thiều ở những vùng đất khác. Quả vải Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia và nhiều quốc gia khác.

Vải thiều Lục Ngạn với chất lượng nổi tiếng cả nước

Bên cạnh việc xử lý kỹ thuật, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đang nỗ lực kết nối, đưa vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang những thị trường khó tính hơn, điển hình như Nhật Bản. Đây là tín hiệu đáng mừng với người trồng vải bởi trước nay 90% sản phẩm tiêu thụ nội địa và chủ yếu xuất sang Trung Quốc.

Từ năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã làm hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang tại Nhật Bản đối với quả vải tươi. Nếu như vào được thị trường Nhật Bản, vải thiều sẽ nhân thêm giá trị, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người sản xuất.

Tỉnh Bắc Giang vẫn đang kết nối đưa vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản, nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh: vaithieu.net)

Phía Nhật Bản yêu cầu, để được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trong quy trình sản xuất, giới hạn giống, cơ chế quản lý tem, nhãn hiệu, logo và các thủ tục hành chính khác.

Nắm bắt điều này, UBND huyện Lục Ngạn đã và đang xây dựng đề án “Vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Mộc giai đoạn 2018 – 2020”, diện tích hơn 300 ha. Toàn bộ diện tích tham gia dự án phải tuân thủ quy trình canh tác VietGAP và GlobalGAP. Cùng với đó là công nghệ bảo quản hiện đại có tem mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Ngô Chí Vinh, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bắc Giang, hiện nay, vải thiều Lục Ngạn là nông sản duy nhất của tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý trong nước. Nếu thành công, đây sẽ là sản phẩm đầu tiên của Bắc Giang có chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, tạo cơ hội rất lớn cho vải thiều xuất khẩu.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục