Nhiếp ảnh kể đời diêm dân mặn như muối qua những bức ảnh cực chất
Nghĩa tình của người hầm muối
Để diện kiến được làng muối Tuyết Diêm, nhiếp ảnh Nguyễn Điện Ngọc phải vượt hàng 100km từ thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) vào tận Phú Yên để "đột kích" vào các lò hầm muối Tuyết Diêm trong đêm.
Ông Nguyễn Điện Ngọc chia sẻ, qua tìm hiểu Tuyết Diêm có nghĩa là muối trắng như tuyết, mang ý nghĩa chất lượng nổi bật của nghề làm muối ở Sông Cầu. Làng nghề này được hình thành từ năm 1870 và đã nức tiếng trong Nam ngoài Bắc.
Muối hầm mịn trắng, mặn nhưng không chát, không chỉ tiện cho việc sử dụng mà còn hợp vệ sinh vì đã được hầm qua lửa trong thời gian khá lâu. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nghề muối Tuyết Diêm cũng nếm trải nhiều nhọc nhằn cay đắng.
Kể lại quy trình làm muối, ông Nguyễn Văn Đào (48 tuổi, thôn Tuyết Diêm, thị xã Sông Cầu) cho biết, để có được 1 tấn muối bột phải sử dụng hơn 1,5 tấn muối hạt để hầm, trong khi đó mỗi lò cho ra 1,5 tấn muối bột. Mỗi lò cần có 5 lao động (2 nam, 3 nữ) làm việc từ 12 giờ khuya đến 8 giờ sáng, công lao động 160.000 đồng/người (đối với nữ) và 250.000 đồng/người đối với nam.
Khu hầm muối Tuyết Diêm có 4 lò, do đốt bằng củi nên rất nóng, vì vậy hầu hết các lò phải làm vào ban đêm. Cùng đỏ lửa một lúc nên mọi người đều có mặt đông đủ để tiến hành công việc thường ngày, tiếng nói tiếng cười râm ran tạo nên không khí sôi nổi. Sau khi đốt bằng củi đủ nhiệt, thợ đốt lò lấy than hồng trong lò ra phủ lên miệng lò và ủ lại để muối tự chín.
Đến khi các người thợ quay lại làm lò muối mới thì lò muối cũ được lấy ra đưa đi sàng sảy để phân loại. Dẫu qua nhiều thăng trầm thay đổi của mảnh đất Sông Cầu nhưng nghề muối hầm của Tuyết Diêm vẫn hằng đêm đỏ lửa, những hạt muối thô kệch, nhiều góc cạnh nhưng qua lửa đã trở thành những hạt mịn trắng li ti mỏng manh mang vị mặn đậm đà của vùng đất Sông Cầu đầy nắng và gió.
Nghệ thuật "vị mặn" của muối Tuyết Diêm
Ông Nguyễn Điện Ngọc nói thêm, để lưu lại những khoảnh khắc của "vị mặn" muối Tuyết Diêm, ông cùng các nhiếp ảnh khác phải thức trắng đêm, vì thời điểm làm muối lúc nào cũng về khuya. Vì lúc này cũng là thời điểm các thợ đốt lò lần lượt đỏ củi để chuẩn bị công việc thường ngày.
"Được các anh chị diêm dân vui vẻ tiếp chuyện, chẳng mấy chốc chúng tôi đã được làm quen và có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn về nghề hầm muối. Công việc đầu tiên trong một buổi làm việc là tập trung lấy muối bột ra lò được hầm từ đêm trước, sau đó đưa muối hạt được đựng trong những chiếc nồi đất vào lò và xếp thành từng lớp theo hình tổ ong.
Trong khi cánh đàn ông nhen lửa đốt lò thì chị em phụ nữ sàng muối bột vừa được lấy ra, cho vào bao để xuất bán. Muối bột được chị em phụ nữ sàng đổ xuống tấm bạt đã trải sẵn dưới nền đất toát lên một màu trắng mịn như sương đêm, tạo nên những khuôn hình rất ma mị và đẹp đến ngỡ ngàng…", ông Ngọc kể lại.
Ông Nguyễn Điện Ngọc nói thêm, chúng tôi theo dõi từng công đoạn, kịp thời ghi lại những khuôn hình đẹp tự nhiên, không hề sắp xếp và không trùng lặp. Tuy nhiên do đêm khuya, thiếu ánh sáng, vả lại chưa quen "đường đi, nước bước" nên gặp nhiều khó khăn trong lúc tiếp cận để lưu lại "vị mặn" muối Tuyết Diêm.
"Mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng chúng tôi không tiếc bấm máy từ khâu đưa muối đã hầm ra lò, đến khâu đưa muối hạt vào lò, đốt lò, ủ ấm, sàng sẩy muối hầm...Ở hầu khắp các công đoạn đều có những khuôn hình đẹp cả về nội dung lẫn chất lượng hình ảnh và đảm bảo các yếu tố về nghệ thuật…", ông Ngọc chia sẻ.