Nhiều công ty Trung Quốc đăng ký tài trợ giải Euro Cup trong nỗ lực vươn ra toàn cầu
Sau khi nhà sản xuất thiết bị gia dụng Hisense trở thành nhà tài trợ đầu tiên của Trung Quốc cho giải vô địch bóng đá châu Âu UEFA vào năm 2016, hiện 3 doanh nghiệp Trung Quốc khác đã đăng ký tài trợ cho giải vô địch Euro Cup 2020 năm nay.
Các công ty này tham vọng thông qua chiến dịch quảng bá tại Euro Cup để tiếp cận thị trường nước ngoài, đồng thời xây dựng uy tín toàn cầu với người tiêu dùng nội địa.
“Các thương hiệu Trung Quốc không chỉ sử dụng hình ảnh nhà tài trợ bóng đá để tăng uy tín, tiếp cận thị trường địa phương, mà còn tham vọng mở ra những thị trường mới, đặc biệt là ở châu Âu” - nhận định của Pierre Justo, giám đốc điều hành mảng truyền thông và thể thao tại công ty tư vấn quốc tế Kantar.
Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các công ty trong nước mở rộng thị trường ra nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp nội địa Trung Quốc cũng nỗ lực quảng bá thương hiệu bằng cách bán hàng ra nước ngoài, qua đó vừa mở rộng thị trường vừa tăng cường uy tín với người tiêu dùng địa phương.
Nhà sản xuất thiết bị gia dụng Hisense có trụ sở tại Sơn Đông, Trung Quốc tham vọng đưa thị phần doanh thu nước ngoài trong tổng doanh thu doanh nghiệp lên 50%, tương đương 23,5 tỷ USD vào năm 2025; tức gấp 3 lần mức 7,93 tỷ USD vào năm 2020.
Hisense cũng cho biết thêm rằng trong 5 tháng đầu năm nay, doanh số bán hàng tại châu Âu của hãng đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu tủ lạnh tại thị trường Pháp tăng vọt.
Hisense bắt đầu thâm nhập vào châu Âu hơn 10 năm trước. Hiện hãng có hơn 8.000 nhân viên làm việc tại châu lục này, với hàng loạt văn phòng tại hơn 20 quốc gia bao gồm Đức, Tây Ban Nha… Công ty đã tài trợ cho FIFA World Cup 2018 và tiếp tục ký hợp đồng cho mùa giải năm 2022
Một nhà tài trợ khác của Euro Cup từ Trung Quốc, nhà sản xuất smartphone Vivo, cho biết họ đã chính thức thâm nhập sáu quốc gia châu Âu vào tháng 10 năm ngoái và hiện có hơn 400 triệu người dùng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Ví điện tử Alipay trực thuộc Alibaba và ứng dụng TikTok của ByteDance cũng chi tiền để gắn biển quảng cáo dọc theo chu vi sân bóng trong mùa giải Euro Cup đang diễn ra vào tháng 6 và tháng 7 năm nay.
Vào năm 2018, Alipay đã ký hợp đồng quan hệ đối tác kỳ hạn 8 năm với EuroCup, bao gồm hoạt động tài trợ cho 2 mùa giải Euro 2020 và Euro 2024. Thỏa thuận trị giá 200 triệu Euro (238,5 triệu USD), theo các nguồn tin thân cận của Financial Times. Alipay hiện là một trong hai dịch vụ thanh toán di động lớn nhất Trung Quốc. Hãng này đang nỗ lực mở rộng hoạt động trên toàn cầu bằng cách tăng cường thu hút các thương gia nước ngoài và khách du lịch đến Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng khách nước ngoài đến Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát buộc các quốc gia đóng cửa biên giới vào năm ngoái.
Ngoài ra, theo danh sách những nhà tài trợ Euro Cup mà Liên minh các Hiệp hội bóng đá châu Âu công bố trên trang web chính thức, nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen, công ty chuyển phát nhanh Mỹ FedEx và công ty năng lượng Nga Gazprom cũng tham gia tài trợ mùa giải này.
Giải bóng đá Euro 2020 kéo dài một tháng, bắt đầu vào ngày 11/6, đã mở màn sau khi bị hoãn lại vào năm ngoái do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Trong mùa giải gần đây nhất vào năm 2016, Euro Cup đã thu hút 2 tỷ lượt theo dõi trực tiếp trên toàn cầu, theo một báo cáo của UEFA do Associated Press dẫn lại.
Một công ty Trung Quốc khác đang tìm cách tận dụng giải Euro Cup 2020 để tăng lợi nhuận là iQiyi, nền tảng phát trực tuyến phổ biến bậc nhất đại lục. Công ty này đã mua lại bản quyền phát sóng trực tuyến Euro 2020.
Trước đó, tốc độ tăng trưởng người dùng của nền tảng iQiyi đã chững lại ở mức hơn 100 triệu lượt. Công ty này cũng báo lỗ 193,4 triệu USD trong quý I/2021.
Tuy nhiên, thỏa thuận phát trực tiếp Euro 2020 đã thu hút lượng khách truy cập đáng kể, tạo cơ hội hợp tác cho iQiyi với hàng loạt tập đoàn lớn như Meituan, Volvo, Heineken và Volkswagen, trích lời ông Lingxiao Yu - Giám đốc điều hành của iQiyi Sports.