Nhiều doanh nghiệp nông sản vẫn chủ quan với quy định nhập khẩu của Trung Quốc
Theo đánh giá của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Trung Quốc là thị trường lớn, có khả năng nhập khẩu rất nhiều nông sản. Tuy nhiên, Việt Nam mới đáp ứng một phần rất nhỏ, chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập nhẩu của Trung Quốc, do đó, dư địa tại thị trường còn lớn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện nay, thị trường Trung Quốc đã không còn "dễ tính", nông sản Việt Nam muốn chinh phục không phải chuyện đơn giản.
"Nghiên cứu của chúng tôi, về cơ bản thấy rằng chỉ có những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về kinh tế, có khả năng phân tích thị trường thì mới tiếp cận và tiếp cận thành công thị trường Trung Quốc. Còn chúng ta vẫn tự hào với phương thức sản xuất của hộ nông dân, hộ bán lẻ chắc chắn vào thị trường Trung Quốc rất khó." ông Kiên cho hay.
Đồng tình vơi quan điểm trên, ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp cho biết, việc phải xây dựng doanh nghiệp đầu đàn để dẫn dắt những doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhiệm vụ thiết yếu.
"Nếu không có "chuyến tàu" dẫn dắt (là những doanh nghiệp đầu đàn) thì đó chỉ là những chuyến xe "cút kít" để chở hàng nông sản của chúng ta ra thế giới. Và khi đó sẽ bị những "chuyến tàu" lớn hất văng." Ông Thủy nhận định.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương thông tin, từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã áp dụng chặt các quy định về nhập khẩu nông sản từ thị trường Việt Nam.
Trong đó, nhiều mặt hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc, vùng trồng, cơ sở đóng gói, điều kiện ATTP, nhãn mác đóng gói... Tuy nhiên, hiện tại, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn từ phía Trung Quốc, hoặc chỉ làm mang tính chất đối phó.
Trên thực tế, đây đều là những quy định theo thông lệ quốc tế, Trung Quốc cũng đã ban hành từ rất lâu.Tuy nhiên, cho đến nay phía Trung Quốc mới chính thức áp dụng đối với Việt Nam do thời do duy trì chính sách NK biên mậu kéo dài. Do đó, các doanh nghiệp của Việt Nam cần thay đổi, tuân thủ nghiêm túc với các quy chuẩn chứ không phải theo kiểu đối phó.
Ngoài ra ông Dương cho biết thêm, đối với mặt hàng là các loại trái cây việc đàm phán, mở cửa thị trường là rất khó khăn. Vì vậy, nếu phát hiện vi phạm trong hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp phải chia sẻ thông tin để giải quyết, không được dấu giếm. Nếu không điều này sẽ làm tổn hại đến hoạt động xuất khẩu không chỉ của cộng đồng doanh nghiệp mà một mặt hàng của cả nước.
Bên cạnh đó, trong khối các hiệp định như CPTPP, EVFTA mà Việt Nam là thành viên có những thị trường rất nghiêm, yêu cầu cao về điều kiện chất lượng hàng hóa.
Do đó, các doanh nghiệp, người nông dân phải từng bước nhận thức rõ về những quy luật trong thương mại quốc tế về nông sản, nếu muốn nâng tầm nông sản xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phải vươn ra thế giới.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Văn Cường, chuyên gia Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương thông tin thêm, thực trạng nông dân, HTX, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong nước thờ ơ với những quy định trong thương mại quốc tế nói chung, trong đó có thị trường Trung Quốc là điều hết sức đáng buồn và ẩn chứa những nguy cơ.
"Sau đợt giải cứu dưa hấu năm 2017, chúng tôi đã dẫn đoàn doanh nghiệp Trung Quốc vào Quảng Ngãi để kết nối sản xuất và tiêu thụ dưa hấu. Đáng buồn là cả nông dân, doanh nghiệp đều khá thờ ơ, và không có bất kỳ một doanh nghiệp nào có đủ năng lực, khả năng để đáp ứng được các yêu cầu về tổ chức, liên kết sản xuất cũng như đáp ứng các quy định trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc", ông Cường chia sẻ.