Những startup Việt đã gọi vốn được hơn 100 triệu USD
VNPay
Theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020 của Google, Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay) là một trong 12 kỳ lân của khu vực Đông Nam Á. Như vậy, sau VNG, Việt Nam đã có startup thứ 2 được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.
VNPay được liệt kê vào danh sách kỳ lân nhờ vòng gọi vốn từ quỹ đầu tư SoftBank Vision Fund và quỹ GIC của Chính phủ Singapore vào năm 2019. Theo dữ liệu của Crunchbase (nền tảng thông tin về kinh doanh và startup), số tiền VNPay huy động được trong vòng này vào khoảng 300 triệu USD.
VNPay được thành lập vào tháng 3/2007. Doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông và hơn 20.000 doanh nghiệp.
MoMo
Theo dữ liệu của Crunchbase, Ví MoMo đã huy động được gần 234 triệu USD qua 4 vòng gọi vốn. Trong đó, vòng gọi vốn gần nhất (Series D) vừa được startup này công bố hồi đầu năm 2021 với sự tham gia của các nhà đầu tư là cổ đông hiện hữu bao gồm Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management. Vòng gọi vốn này cũng xuất hiện các quỹ đầu tư mới như Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital.
Số tiền cụ thể không được MoMo tiết lộ nhưng theo số liệu của Crunchbase, con số này vào khoảng 100 triệu USD.
Tháng 4 năm ngoái, CB Insights (công ty cung cấp dịch vụ tổng hợp, phân tích và báo cáo dữ liệu của Mỹ) cũng đưa MoMo vào danh sách các công ty khởi nghiệp công nghệ gọi vốn thành công nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tổng mức đầu tư gần 134 triệu USD. Ngoài các quỹ tham gia vòng Series D, MoMo từng huy động vốn thành công từ Goldman Sachs và Standard Chartered Private Equity.
Tiki
Nền tảng thương mại điện tử Tiki do Trần Ngọc Thái Sơn – người có bằng thạc sĩ của Đại học New South Wales, Australia – thành lập năm 2010. Ban đầu đây chỉ là một nền tảng bán sách ngoại ngữ online với văn phòng ở ngay trong phòng ngủ của ông Sơn.
Tiki thường không tiết lộ số tiền gọi được trong mỗi vòng gọi vốn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Crunchbase, startup này đã huy động được 192,5 triệu USD qua 7 vòng gọi vốn.
Tháng 3/2012, Tiki được quỹ CyberAgent Ventures của Nhật Bản đầu tư 500.000 USD, sau đó tiếp tục được một tập đoàn Nhật Bản khác là Sumitomo rót vốn một triệu USD vào tháng 8/2013. Tháng 5/2016, công ty nhận khoản đầu tư 17 triệu USD (khoảng 384 tỷ đồng) từ VNG đổi lấy 38% cổ phần.
Hồi cuối năm 2017, đầu năm 2018, một số nguồn tin cho biết Tiki đã huy động thành công 54,5 triệu USD từ “đại gia” thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, STIC từ Hàn Quốc và VNG. Tuy nhiên Tiki không xác nhận thông tin này.
Sendo
Dự án thương mại điện tử Sendo.vn do Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) phát triển từ tháng 9/2012. Năm 2014, FPT tách dự án này ra khỏi FPT Online, thành lập Công ty Sen Đỏ và mua lại website thương mại điện tử 123mua.vn của VNG. Cũng trong năm này, Sendo đổi 33% cổ phần để nhận về khoản đầu tư 18 triệu USD từ SBI Holdings, Econtext Asia và Beenos.
Năm 2018, Sendo công bố huy động thành công 51 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B. Theo đại diện công ty, thương vụ này có sự góp mặt của 8 nhà đầu tư, gồm SBI, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners, SKS Ventures, Tập đoàn FPT, eContext Asia, BeeNext và Beenos.
Năm 2019, Sendo tiếp tục hoàn thành vòng gọi vốn Series C với tổng giá trị 61 triệu USD. Vòng gọi vốn lần này có 2 nhà đầu tư mới là EV Growth (Indonesia) và Kasikornbank (Thái Lan). Một số nhà đầu tư cũ như SBI, Beenos, SoftBank Ventures Asia, Daiwa PI Partners tiếp tục tham gia rót vốn.
Như vậy chỉ tính riêng 2 năm 2018 và 2019, Sendo đã huy động được trên 110 triệu USD.