Nỗ lực thay đổi số phận "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam

08/05/2019 07:00 GMT+7
Đã gần 2 năm ngành thủy sản Việt Nam bị EU tuyên bố phạt “thẻ vàng”, các cơ quan Chính phủ đã nỗ lực hết mình thực hiện các khuyến nghị của EU với hi vọng sẽ có một “thẻ xanh” cho thủy sản Việt.

Thủy sản xuất khẩu Việt Nam long đong, lận đận

Cuối tháng 10/2017, toàn ngành thủy sản Việt Nam điêu đứng vì thông tin Liên minh Châu Âu (EU) công bố phạt “thẻ vàng” với hoạt động đánh bắt khai thác thủy sản của Việt Nam do chưa tuân thủ các quy định IUU của họ. Theo đó, các hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU vẫn diễn ra bình thường nhưng các lô hàng sẽ bị tăng tần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu lên tới 100%.

Chính điều này đã dẫn tới thời gian lưu kho tăng, phát sinh các loại chi phí như kiểm tra, lưu kho đối với doanh nghiệp Việt Nam và  ảnh hưởng không nhỏ tới toàn ngành thủy sản.

Tháng 2/2019, trong Hội nghị Triển khai kế hoạch Thủy sản năm 2019, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam) đã trình bày những khó khăn và thách thức mà ngành thủy sản đang phải gặp phải. Trong đó, vấn đề thẻ vàng EU được đặt lên hàng đầu.

Việc EU phạt “thẻ vàng” vì những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đã tác động làm giảm XK hải sản Việt Nam sang khối thị trường này. XK các sản phẩm hải sản sang EU đều giảm từ 4-20%, trừ XK cá ngừ. Giá trị XK cá ngừ năm 2018 tăng 11,5% so với năm 2017, tuy nhiên mức tăng trưởng này lại chỉ bằng ½ mức tăng trưởng của năm 2017 (23%).

Xuất khẩu hải Việt Nam sang EU có chiều hướng giảm sâu và liên tục.

Theo VASEP, EU là thị trường XK lớn thứ hai của hải sản Việt Nam trong 5 năm qua, với giá trị XK dao động trong khoảng 350-400 triệu USD/năm, chiếm 16-17% tổng XK hải sản của Việt Nam. Nhưng kể từ khi EU rút thẻ vàng đối với Việt Nam vào 23/10/2017, XK hải sản của Việt Nam sang EU có chiều hướng giảm sâu và liên tục do các khách hàng, đối tác từ phía EU hạn chế hoặc ngừng mua hàng của các quốc gia đã có thẻ vàng. Chính điều này đã khiến thị phần của EU giảm xuống 12-15% tổng xuất khẩu hải sản của cả nước.

Năm 2019, ngành thủy sản đặt kế hoạch xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỷ USD, trong đó ngành tôm đạt 4,2 tỷ USD, cá tra 2,3 tỷ USD và hải sản đặt 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, “thẻ vàng” EU đang là một rào cản lớn, việc gỡ bỏ chậm trễ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của ngành.

Từ “thẻ vàng” sang “thẻ xanh”

Tháng 4 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với hải sản Việt Nam. Tại Hội nghị này, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cũng đã cho biết, ngay sau khi EC cảnh báo thẻ vàng đối với các sản phẩm khai thác hải sản của Việt Nam, nhiều giải pháp quyết liệt đã được khuyến nghị và đã có được những kết quả đáng ghi nhận.  Tuy vậy, hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam trên thực tế vẫn chưa thực sự được cải thiện đáng kể.

Các cơ quan Chính phủ đã nỗ lực hết mình thực hiện các khuyến nghị của EU với hi vọng sẽ có một “thẻ xanh” cho thủy sản Việt.

EC đã đưa ra đến 9 khuyến nghị đối với hải sản khai thác của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là cơ hội để xây dựng nghề cá bền vững và góp phần hoàn thiện một phần lớn khung khổ pháp luật.

Tuy nhiên, vẫn còn 4 điểm mà EC khuyến nghị vẫn chưa được đáp ứng.

Thứ nhất, khung pháp lý. Hiện nay để triển khai Luật Thủy sản có Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017 và các thông tư hướng dẫn. Các văn này trong quá trình hoàn thiện, phía Việt Nam có trao đổi với phía EU, cơ bản đã được thống nhất các nội dung.

Thứ hai, hệ thống giám sát tàu cá. Tổng cục Thủy sản đang nỗ lực chuyển đổi hệ thống để đáp ứng đúng quy định.

Thứ ba, triển khai trên thực tế sau khi có văn bản. Vấn đề này sẽ gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn Phùng Đức Tiến đã làm việc với Tổng cục Thủy sản, dự khiến triển khai sẽ vướng rất nhiều.

Thứ tư, truy xuất nguồn gốc. Đang có tín hiệu tốt cho việc truy xuất. Hiện nay khắc phục được tình trạng vi phạm tàu cá sang đánh bắt tại quốc đảo.

Trong 4 điểm trên, nổi lên hàng đầu là tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước trong khu cực biển Đông vẫn còn tiếp diễn, diễn biến phức tạp; hầu hết các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.

Theo lộ trình mới, đầu tháng 6/2019, nhóm chuyên gia kỹ thuật của EU sẽ sang Việt Nam để đánh giá lại việc tuân thủ các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho biết, vẫn chưa xác định được thời gian chính thức, “chắc phải chờ sau chuyến thăm vào tháng 5 tới”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố chủ động tăng cường nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực nâng cao công tác phòng, chống khai thác IUU, đạt hiệu quả, tiến tới sớm nhất chấm dứt tình trạng khai thác IUU tại địa phương; chủ động chuẩn bị tốt, đầy đủ các công việc, nội dung liên quan để làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu vào tháng 5 đạt hiệu quả cao.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, tập trung ngăn ngừa, chấm dứt ngay tình trạng tàu cá và ngư dân địa phương khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017.

Nếu như các vấn đề không được giải quyết một cách triệt để và kịp thời rất có thể  Việt Nam sẽ là quốc gia không được hợp tác và bị phạt “thẻ đỏ”. Nếu bị áp dụng “thẻ đỏ” thì tất cả các sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm XK vào thị trường EU.

Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, thời gian qua dù gặp nhiều khó khăn về vấn đề “thẻ vàng”, song chưa gây ách tắc thương mai. Bộ sẽ cố gắng sớm xóa bỏ “thẻ vàng” với hải sản XK. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Nhân dân không để xấu hơn tình hình “thẻ vàng”.

Trước đó, vào hồi tháng 1/2019, EU cũng đã ấn định thời gian sang Việt Nam xem xét để gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản nhưng sau đó có thông tin cho biết thời gian được chuyển sang tháng 4/2019. Tuy vậy, trên thực tế, những mốc thời gian này đều không hề diễn ra.

Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên phải nhận “thẻ vàng”, thậm chí đã từng có quốc gia phải nhận đến “thẻ đỏ” từ phía EU do đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không được quản lý và tái phạm nhiều lần.

Theo số liệu thống kế từ phía Tổng cục Thủy sản Việt Nam, tính đến khoảng đầu năm 2019, đã có tới 25 quốc gia, vùng lãnh thổ từng bị EU áp dụng biện pháp phạt thẻ, trong số đó có 6 quốc gia đã phải nhận “thẻ đỏ” như Campuchia vào hồi tháng 3/2014.

Sau khi nhận thẻ phạt từ phía EU nhiều nước đã có cố gắng để xóa bỏ thẻ phạt. Trường hợp của Philippines sau 10 tháng ra sức tháo gỡ nhờ vào sự nỗ lực từ phía hệ thống chính trị của quốc gia này. Điều này có thể đặt ra hy vọng cho toàn ngành thủy sản Việt Nam về việc xóa bỏ thẻ phạt và đẩy mạnh hơn nữa hải sản ra thị trường thế giới.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục