Nuôi dê làm giàu
Nghề nuôi dê ở nước ta đã có từ lâu nhưng do cách nuôi nhỏ lẻ, phân tán nên đàn dê tăng trưởng chậm, hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, gần đây, nông dân nhiều địa phương, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi đã đẩy mạnh nuôi dê, coi đó là một hướng để thoát nghèo. Sau đây, xin được giới thiệu cùng bà con một số kĩ thuật và kinh nghiệm nuôi dê.
Theo bà con nuôi dê ở Cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, nếu nuôi tốt thì mỗi năm đàn dê có thể cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng, với khoảng 10 con dê giống và bầy dê nuôi lấy thịt. Bà con cho biết, lúc đầu cũng khó khăn vì trước hết là phải chuyển từ trồng mía sang trồng cỏ cho dê ăn. Cùng đó là việc xây dựng chuồng trại cũng cần số tiền đầu tư khá lớn. Nhưng nếu vượt qua được khó khăn ban đầu, học hỏi được kĩ thuật thì giai đoạn sau cũng không quá khó.
Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cù lao Dung, chăn nuôi dê dễ chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, vốn đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ ổn định, lại cho thu nhập quanh năm. Nhìn chung, đây là mô hình rất phù hợp với gia đình ít đất sản xuất, đặc biệt là hộ nghèo.
Để có đàn dê phát triển nhanh, bà con cần nắm vững một số vấn đề, nhưng quan trọng nhất là chọn giống. Chọn giống là kỹ thuật đầu tiên và quan trọng nhất. Hiện nay có 3 giống dê phổ biến.
Trước tiên là dê Boer chuyên hướng thịt. Đây là giống dê phát triển mạnh có nguồn gốc Nam Phi. Loài dê này có màu lông khá đặc trưng: lưng màu trắng, cũng có màu hơi nâu, vàng nhạt. Cổ, lưng, hai bên hông và phần trên đuôi của chúng có màu đen. Một số con có lông trắng chạy sọc trên mặt. Cơ bắp đầy đặn, tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, tốt. Dê đực trưởng thành có thể đạt từ 100 - 160kg/ con, con cái trưởng thành có thể đạt từ 90 - 100kg/con. Dê cái Boer mắn đẻ, có thể phối giống lần đầu vào 5 - 7 tháng tuổi, chu kỳ động đực sẽ kéo dài từ 18 - 21 ngày. Trung bình một con cái có thể đẻ được từ 2 - 3 con/ lứa.
Tiếp đó là dê Bách thảo, là giống dê lai giữa dê cỏ địa phương và một số giống dê nhập. Chúng có khả năng thích nghi khá tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt đặc biệt là những vùng có khí hậu nắng nóng, nhiệt độ cao. Đây là giống dê dễ nhận biết và có màu sắc tương đối đồng nhất là màu đen (chiếm 60% đàn). Trên mặt, dọc phần cổ, tai, chân, bụng có màu trắng. Mũi dô, đầu dài, tai cụp xuống, đa số là không có râu cằm. Con được trưởng thành có thể đạt 75 - 80kg/ con, con cái trưởng thành đạt từ 40 - 45kg/ con. Giống dê này có tỷ lệ thịt xẻ cao, đạt từ 40 - 45%, tỉ lệ thịt tinh đạt từ 30 - 35%.
Giống dê thứ ba cũng khá phổ biến là dê cỏ. Đây là giống dê địa phương được bà con chăn nuôi lâu đời và chủ yếu theo phương pháp quảng canh, chăn thả manh mún, nhỏ lẻ. Chúng không đồng nhất về màu lông. Một số màu chiếm ưu thế như màu đen, màu nâu, khoang đen trắng, màu trắng. Dê cỏ có vóc dáng nhỏ, tốc độ tăng trưởng thấp, tỷ lệ thịt xẻ đạt từ 40 - 44%, tỉ lệ thịt tinh đạt từ 28 - 30%. Tuy nhiên vì sinh sống lâu đời nên giống này có thể thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, khả năng chống chịu bệnh tốt, thịt chắc.
Ngoài cách chọn giống theo từng loại dê, bà con cần nắm được những nguyên tắc chung khi chọn lựa là phải quan sát kỹ các con giống trong đàn, có xuất xứ rõ ràng, có thể theo dõi được cặp bố mẹ thì càng tốt. Không chọn những con cổ ngắn, bụng nhỏ, lông tai trụi, đầu dài, tứ chi không thẳng, đứng không chắc chắn. Dê đực phải đạt có thân hình cân đối, cơ quan sinh dục phát triển. Chọn dê cái hướng thịt phải có thân hình chữ nhật; dê cái hướng sữa phải có bộ phận sinh dục nở nang, hông rộng, hai núm vú dài từ 4 - 6cm.