Nuôi sò huyết kiếm tiền tỉ
Đến xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau hỏi ông Nguyễn Viết Hoài, ai cũng biết, có thể chỉ đường đến nhà một cách rành mạch, bởi ngoài làm kinh tế giỏi, lão nông này còn sống rất tử tế nên được người dân nơi đây quý mến.
Từ nuôi tôm công nghệ cao
Ông Hoài cho hay mình sinh ra trong một gia đình thuần nông nên từ nhỏ đã được tiếp cận với mô hình nuôi tôm quảng canh. Sau khi lập gia đình, ông được cha mẹ cho 2 ha đất nuôi trồng thủy sản để lập nghiệp.
Có đất, có vốn nhưng không phải ai cũng biết suy nghĩ tìm cách phát triển kinh tế gia đình rồi mạnh dạn đầu tư làm ăn lớn. Sau thời gian nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống, ông Hoài nhận thấy mô hình này bộc lộ nhiều điểm yếu, hiệu quả kinh tế không cao nên chuyển sang nuôi tôm công nghiệp.
Ban đầu, ông nuôi tôm trong ao đất; tuy lợi nhuận không cao nhưng vẫn có nguồn thu nhập khá ổn định. Năm 2016, ông quyết định mang toàn bộ số tiền tích góp được đầu tư làm 6 ao bạc để nuôi tôm công nghệ cao.
"Dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện với mong muốn tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế" - ông Hoài nhớ lại. Lúc này, ông đã nhờ một số người quen tư vấn và lên mạng tìm hiểu kỹ thuật, quy trình nuôi tôm lót bạc.
Thời gian đầu do chưa rành kỹ thuật nên chi phí cao, còn bây giờ đã có kinh nghiệm cộng với sự tư vấn của các cơ sở kinh doanh vật tư nuôi tôm nên cơ bản công việc đi vào ổn định. "May mắn là vụ nuôi nào tôi cũng có lời dù không cao" - ông Hoài phấn khởi.
Đến nay, ông Hoài có tổng 12 ao bạc nuôi tôm công nghệ cao với diện tích gần 9 ha. Để thuận tiện cho việc nuôi và chăm sóc tôm, ông chia làm khu vực vèo tôm, nuôi tôm lứa, nuôi tôm thịt.
Tôm giống khi được mua về, ông vèo trong ao bạc từ 15-17 ngày rồi chuyển sang khu vực nuôi tôm lứa… Khi tôm nuôi đạt trọng lượng khoảng 90 con/kg sẽ tiếp tục chuyển qua ao nuôi tôm thịt cho đến khi thu hoạch.
"Cách nuôi trên đã giúp gia đình tôi theo sát được quá trình phát triển của tôm. Nhờ vậy, khi tôm có dấu hiệu kém phát triển hoặc bị bệnh, chúng tôi kịp thời đưa ra hướng xử lý nên hạn chế được rủi ro đến mức thấp nhất" - ông Hoài đúc kết.
Đến xen canh sò huyết
Khi đã có nguồn thu nhập khá từ nuôi tôm công nghệ cao, năm 2020, ông Hoài quyết định chọn thêm mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm quảng canh để phát triển kinh tế.
Theo ông Hoài, Năm Căn có nhiều sông lớn, dòng chảy mạnh gần cửa biển cộng với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi nên đây được xem là điều kiện lý tưởng để nuôi sò huyết. Mô hình nuôi xen canh sò huyết trong vuông tôm có tính bền vững cao, ít tốn công chăm sóc và không đòi hỏi kỹ thuật cao nên dễ dàng áp dụng.
"Sò giống sau khi mua về sẽ trải qua giai đoạn vèo dưới vuông rồi nuôi lan khoảng 1 năm. Sau đó, bắt đầu thu hoạch dần" - ông Hoài cho biết.
Trước khi thả giống, ông Hoài tiến hành diệt các loài cá tạp có trong vuông tôm để hạn chế hao hụt do sò giống có kích thước rất nhỏ. Sau khoảng 5 tháng vèo, tiến hành thả lan ra vuông tôm để nuôi sò thương phẩm. Khi sò có trọng lượng khoảng 100 con/kg thì thu hoạch.
"Tôi đang thu hoạch sắp xong 4 ha sò huyết với sản lượng khoảng 5 tấn, thu lãi hơn 500 triệu đồng. Nếu thu hoạch hết các diện tích còn lại thì lợi nhuận cũng hơn 1 tỉ đồng" - ông Hoài phấn khởi.
Những diện tích đã thu hoạch xong, ông Hoài và các thành viên trong gia đình đang cải tạo để thả nuôi vụ mới.
Hiện sò huyết trên thị trường có giá khá cao, trong đó, loại 100 con/kg được thương lái đến tận vuông thu mua với giá từ 120.000 đồng/kg.
Theo lý giải của nhiều lão nông tại địa phương, giá sò huyết thương phẩm ở mức khá cao là do được người tiêu dùng ưa chuộng. "Khác với con tôm, sò huyết có thể được nuôi lâu dài trong vuông mà không cần phải thu hoạch ngay, không tốn chi phí cho ăn hay chăm sóc. Trong trường hợp giá sò huyết xuống thấp, nông dân hoàn toàn có thể trữ lại chờ giá" - lão nông Nguyễn Văn Minh nói.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao và nuôi sò huyết đã giúp gia đình ông Hoài thu về hàng tỉ đồng mỗi năm. Từ những kết quả trên, ông Nguyễn Viết Hoài đã được chọn là một trong những nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Nhân rộng mô hình giúp dân làm giàu
Sò huyết ít chất béo cộng với giàu chất đạm và khoáng chất nên rất tốt cho hệ tuần hoàn máu và tiêu hóa... Vậy nên, các món ăn được chế biến từ loài đặc sản này đã chinh phục được nhiều thực khách khó tính khi đến với Cà Mau.
Ông Dương Việt Truyền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Năm Căn, đánh giá mô hình phát triển kinh tế của ông Hoài là một trong những mô hình hay và đem lại hiệu quả kinh tế khá cao tại địa phương.
"Thời gian tới, huyện Năm Căn sẽ thành lập hợp tác xã nuôi sò huyết, chuyển giao khoa học kỹ thuật... để nhân rộng mô hình giúp người dân phát triển kinh tế" - ông Truyền khẳng định.