Phân bón Việt lao đao trên chính sân nhà

17/07/2019 13:48 GMT+7
Dù là một nước có lợi thế lớn về thị trường tiêu thụ nhưng những ông lớn trong ngành phân bón nước ta hiện nay cũng đang “lao đao” trước đối thủ ngoại nhập.

Hàng nội... không bằng hàng ngoại?

Tại các đại lí vật tư nông nghiệp, không quá khó để tìm được phân bón ngoại nhập. Nguyên nhân là bởi người nông dân đang có xu hướng “chuộng” hàng ngoại, không những bởi giá thành mà họ còn tin tưởng chất lượng phân bón nước ngoài tốt hơn nội địa.

Anh Thành – chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp tại thành phố Tuyên Quang chia sẻ: “Gần đây giá phân bón giảm nhẹ, chủ yếu là hàng ngoại nên người nông dân mua nhiều và khá chuộng. Hàng nội dù là những công ty có uy tín cũng khó bán nên tôi cũng hạn chế nhập về bán”.

PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng: “Doanh nghiệp Việt Nam mình mà không cải tiến chất lượng, không tiết kiệm chi phí để giảm giá thành thì mình sẽ thua phân bón nhập khẩu từ các nước vào. Người ta có chất lượng tốt hơn và giá cũng có thể tương đương với mình”.

Doanh nghiệp phân bón Việt nếu không cải tiến sẽ không cạnh tranh được với hàng ngoại nhập

Phân bón Việt đang dần mất đi tính cạnh tranh

Ngoài sức ép từ phân bón nhập khẩu, các “ông lớn” ngành phân bón còn phải oằn mình chống lại nạn làm giả, làm nhái và hàng kém chất lượng. Hiện mỗi năm nước ta cần khoảng 11 triệu tấn phân bón. Tuy vậy, thực tế nguồn cung đang tăng gấp 3 lần so với nhu cầu này.

Điều đáng lo ngại là có khoảng 50% số phân bón trên thị trường hiện nay có nguy cơ là hàng kém chất lượng. Hậu quả mà phân bón giả để lại không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng mà nó còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về đời sống kinh tế của nông dân, ô nhiễm môi trường và suy giảm niềm tin vào thực phẩm Việt.

Có khoảng 50% số phân bón trên thị trường hiện nay có nguy cơ là hàng kém chất lượng

Việc cấp bách hiện nay của ngành phân bón là phải nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm bằng những giải pháp cụ thể.

Chọn đầu tư thay đổi hay “chết chìm” trong chính sân nhà là lựa chọn của mỗi doanh nghiệp. Hiện nay có rất nhiều cách để giảm chi phí sản xuất như đầu tư công nghệ cao, cơ giới hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật, sản xuất tự động bằng hệ thống robot thông minh,...

Cơ hội về thị trường không phải không có. Theo số liệu năm 2018, tổng sản lượng xuất khẩu phân bón các loại đạt 846,7 nghìn tấn, trị giá 280,79 triệu USD, chủ yếu là suất sang các nước Đông Nam Á, Campuchia, Hàn Quốc,... Và với những sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ cao luôn được thị trường nước ngoài ưa chuộng.

Tại một doanh nghiệp sản xuất phân bón áp dụng công nghệ tạo hạt tầng sôi Nhật Bản, trong khoảng 800.000 tấn phân đạm được sản xuất tại đây mỗi năm, có đến 10% đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Tất cả điều này đã chứng tỏ nếu khắc phục được khó khăn còn tồn tại, các doanh nghiệp phân bón Việt vẫn sẽ đứng vững trước mọi đối thủ cạnh tranh, cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiến hành tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón để kịp thời phát hiện những hành vi kinh doanh sai trái của doanh nghiệp; nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật; kết hợp công tác tuyên truyền: cơ quan nhà nước cần phối hợp tuyên tuyền cho người nông dân phân biệt phân bón chất lượng và kém chất lượng; hỗ trợ người nông dân sử dụng phân bón an toàn hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm.

Mai Trang
Cùng chuyên mục