PMI tháng 9 của ASEAN đồng loạt giảm, kỳ vọng PMI Việt Nam đạt 52 điểm vào quý cuối năm

03/10/2023 07:01 GMT+7
Theo khảo sát của S&P Global, sau khi cải thiện trong suốt thời gian kể từ tháng 10/2021, sức khỏe ngành sản xuất ASEAN bắt đầu xuất hiện sự suy giảm trong tháng 9/2023. Việt Nam cũng không nằm ngoài nhịp giảm khi PMI tụt từ mức 50,5 xuống 49,7, dưới ngưỡng 50.

 PMI ngành sản xuất của ASEAN giảm lần đầu sau 25 tháng 

Báo cáo này chỉ ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất ASEAN trong tháng 9 đã trượt về vùng suy giảm lần đầu trong 25 tháng qua, với kết quả là 49,6 điểm, giảm so với 51 điểm của tháng 8. Các quốc gia ASEAN được khảo sát có sự suy giảm của sức khỏe ngành sản xuất trong tháng 9 bao gồm: Malaysia, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Indonesia... Việt Nam là nước có mức độ giảm xếp thứ 4 sau Malaysia, Singapore và Thái Lan.

PMI tháng 9 của Việt Nam giảm dưới ngưỡng 50, kỳ vọng  đạt 52 điểm vào quý cuối năm - Ảnh 1.

PMI ngành sản xuất của các nước ASEAN

Động lực dẫn đến sự suy giảm này là do số lượng đơn đặt hàng tại nhà máy đã giảm trở lại, mặc dù mức giảm là nhẹ. Báo cáo cho biết tình trạng này diễn ra sau thời gian 8 tháng tăng trưởng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục giảm cũng tác động lên tổng số lượng đơn đặt hàng mới. Từ đó, tăng trưởng sản lượng đã chậm lại thành mức yếu nhất trong thời kỳ tăng kéo dài 2 năm hiện nay.

Hoạt động mua hàng đình trệ trong tháng 9 đã kết thúc thời kỳ tăng trưởng bắt đầu từ tháng 10/2021. Thay vào đó, các nhà sản xuất đã tăng sử dụng hàng tồn kho hiện có. Hàng tồn kho trước sản xuất cũng giảm lần đầu tiên trong 6 tháng, trong khi hàng tồn kho thành phẩm giảm tháng thứ 5 liên tiếp, với tốc độ giảm là nhanh nhất trong gần 2 năm.

PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 9 giảm xuống 49,7

Báo cáo của S&P Global chỉ ra rằng, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 9 đã giảm xuống 49,7, dưới mốc 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8. Kết quả này cho thấy điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam bị suy giảm, mặc dù mức suy giảm là không đáng kể. Đây cũng là tình trạng chung của các nước ASEAN.

Dữ liệu khảo sát cho thấy nhu cầu và niềm tin kinh doanh tăng, nhưng cũng chỉ ra tình trạng năng lực sản xuất dư thừa dẫn đến giảm sản lượng và việc làm. Tốc độ lạm phát đã gia tăng khi cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đều tăng nhanh hơn vào thời điểm cuối quý 3. 

PMI tháng 9 của Việt Nam giảm dưới ngưỡng 50, kỳ vọng  đạt 52 điểm vào quý cuối năm - Ảnh 2.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam qua các tháng

“Khía cạnh tích cực nhất của kỳ khảo sát tháng 9 là số lượng đơn đặt hàng mới của Việt Nam đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, với tốc độ tăng gần như ngang bằng với tháng 8”, S&P Global nhận xét.

Một số người trả lời khảo sát cho biết tình trạng tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, đặc biệt là từ các nền kinh tế Châu Á, đã giúp tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài là mạnh và đáng kể hơn so với tháng 8.

Mặc dù nhu cầu tiếp tục tăng, các nhà sản xuất cho biết số lượng đơn đặt hàng mới nhận được vẫn còn ở mức khiêm tốn, từ đó khiến sản lượng giảm. Sản lượng giảm nhẹ sau khi tăng trong tháng 8, và cho đến nay sản lượng đã giảm 6 trong 7 tháng qua. Tình trạng giảm sản lượng tập trung ở các nhà sản xuất hàng hóa trung gian, trong khi các nhà sản xuất hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa đầu tư cơ bản ghi nhận tăng sản lượng.

Ngoài ra, việc làm cũng giảm tháng thứ 7 liên tiếp, với tốc độ giảm mạnh nhất kể từ tháng 6. 

Thời gian giao hàng đã rút ngắn tháng thứ chín liên tiếp, mặc dù ở mức độ thấp nhất kể từ tháng Tư. Về mặt chi phí, giá đầu vào tăng mạnh nhất trong 7 tháng, do chi phí nhiên liệu tăng cũng như giá dầu và nguyên liệu thô nhập khẩu tăng. Ngược lại, giá đầu ra tiếp tục tăng, mặc dù với tốc độ khiêm tốn. 

Dự báo PMI Việt Nam sẽ đạt 52 điểm vào quý cuối năm

PMI tháng 9 của Việt Nam giảm dưới ngưỡng 50, kỳ vọng  đạt 52 điểm vào quý cuối năm - Ảnh 3.

Dự báo PMI Việt Nam sẽ đạt 52 điểm vào quý cuối năm

PMI sản xuất tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 52,00 điểm vào cuối quý này, theo kỳ vọng của các nhà phân tích và mô hình vĩ mô toàn cầu của Trading Economics. Theo các mô hình kinh tế lượng, về lâu dài, chỉ số PMI Sản xuất của Việt Nam được dự đoán sẽ có xu hướng quanh mức 53,00 điểm vào năm 2024 và 52,00 điểm vào năm 2025.

Nam Hải (Theo Trading Economics)
Cùng chuyên mục