PVD ước doanh thu 2020 đạt 5.400 tỷ đồng

05/01/2021 14:26 GMT+7
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD) vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết cho năm 2020, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2021.

Theo đó, kết thúc năm 2020, Công ty ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 5.400 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch đề ra.

Trước đó, báo cáo tài chính quý III/2020 của PVD cho thấy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, PVD ghi nhận doanh thu thuần 4.409 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 110 tỷ đồng; đã thực hiện 94% kế hoạch doanh thu và 184% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Lãnh đạo PVD cho biết, năm 2020 là một thách thức lớn đối với thị trường khoan và thị trường dầu khí do sự lao dốc của giá dầu được gây ra bởi đại dịch Covid -19.

Nếu như giai đoạn khủng hoảng giá dầu 2015-2019 trước đây Công ty chỉ phải đối mặt với sự khan hiếm việc làm và đơn giá dịch vụ thấp thì trong năm 2020, khó khăn nhân lên gấp bội vì còn phải đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất, giàn khoan, văn phòng…

Cùng với đó là đảm bảo tiến độ các chiến dịch khoan cho khách hàng trong bối cảnh lệnh phong tỏa biên giới giữa các quốc gia được triển khai đồng loạt, tìm việc làm thay thế khi các hợp đồng khoan đang thực hiện buộc phải dừng/giãn theo yêu cầu của khách hàng… cùng với áp lực hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2020.

PVD ước doanh thu 2020 đạt 5,400 tỷ đồng - Ảnh 1.

PVD ước doanh thu 2020 đạt 5,400 tỷ đồng

Sang năm 2021, phía PVD dự báo thị trường dầu khí còn biến động khó lường do đại dịch Covid - 19 còn tiếp tục hoành hành, gây ra những tác động tiêu cực, toàn diện và sâu rộng.

Theo đánh giá trước đó của Công ty CTCP Chứng khoán VNDirect về triển vọng năm 2021 của PVD, VNDirect dự báo doanh thu dự kiến giảm 9% do giá thuê ngày trung bình thấp hơn (60.000 USD), nhưng lợi nhuận ròng sẽ tăng 19%, chủ yếu nhờ vào sự hoạt động trở lại của giàn TAD từ tháng 7/2021, giúp giảm lỗ so với giai đoạn dừng hoạt động năm 2017 đến 2019. Cũng nhờ giàn TAD hoạt động trở lại thì lợi nhuận ròng của PVD có thể tăng tới 136% trong năm 2022.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, ngành dầu khí Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường dầu mỏ thế giới. Bất lợi về giá vốn của các dự án thượng nguồn khiến động lực đầu tư khai thác các mỏ dầu khí mới không liên quan tới lợi ích kinh tế mà phụ thuộc hoàn toàn vào định hướng của Chính phủ.

Vì vậy VDSC cho rằng trong ngắn hạn, dịch vụ giếng khoan sẽ tạm thời là trụ đỡ cho lợi nhuận của PVD, trong khi hoạt động cốt lõi là cho thuê giàn khoan vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên do bởi giá dầu biến động mạnh khiến giá cho thuê chưa thế phục hồi mạnh mẽ.

VDSC đánh giá, PVD năm 2021 sẽ nổ lực đẩy mạnh các hoạt động cung cấp dịch vụ và buôn bán hàng hóa, đồng thời cải thiện sức khỏe tài chính bằng cách quản lý các khoản phải thu chặt chẽ hơn.

PVKT
Cùng chuyên mục