Quảng Nam: Agribank và Hội Nông dân “bắt tay” tiếp vốn cho nông dân làm kinh tế
Nhờ đó, đã giúp cho hàng nghìn hộ dân là hội viên nông dân trên địa bàn huyện Đại Lộc thoát nghèo bền vững, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
"Trợ lực" cho hội viên nông dân làm kinh tế
Chúng tôi có dịp ghé thăm mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái của ông Nguyễn Tổng ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, được ông cho biết: Năm 2017, vợ chồng ông bắt đầu xây dựng mô hình trồng cây ăn quả trên đất ruộng của gia đình với diện tích hơn 1.000m2, với những loại cây trồng như ổi, mận, mít, bưởi da xanh….
Mô hình trồng cây ăn quả phát triển tốt, năm 2019 ông đã vay vốn của Ngân hàng Agribank Đại Lộc 200 triệu đồng để đầu tư mở rộng quy mô. Đến nay, quy mô vườn cây ăn trái có diện tích rộng hơn 4ha với 500 cây bưởi da xanh, 300 cây ổi, 200 cây xoài, 400 cây chanh và nhiều loài cây ăn quả khác…
Ông Tổng chia sẻ: Nhiều hội viên nông dân như ông ban đầu khởi nghiệp khó khăn nhất là nguồn vốn. Ông thấy Agribank liên kết với Hội Nông dân cho vay đối với những hội viên nông dân như ông là rất hay, rất ý nghĩa, kịp thời đáp ứng được sự mong mỏi của người dân.
Hiện nay, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái của ông đang phát triển tốt. Hàng năm, vườn cây ăn trái của gia đình ông xuất bán ra thị trường khoảng gần 200 tấn trái cây các loại, sau khi trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
"Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình tôi nhận được sự giúp đỡ của Hội Nông dân huyện Đại Lộc và Hội Nông dân xã Đại Minh. Đặc biệt là nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Agribank Đại Lộc, tôi rất biết ơn ngân hàng đã tạo điều kiện cho tôi vay vốn để mở rộng quy mô vườn cây ăn quả của gia đình...".
Cũng là một nông dân năng động và được vay nguồn vốn của Agribank Đại Lộc với sự bảo lãnh của Hội Nông dân là hộ gia đình ông Lê Anh Dũng ở thôn Phú Bình, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Đến thăm trang trại, được ông Dũng cho biết: Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông làm lao động phổ thông ở địa phương, ai thuê gì làm đó nhưng thu nhập chỉ đủ sống qua ngày. Từ đó ông đã bàn với vợ xây dựng chuồng trại để nuôi lợn với quy mô lớn, làm hướng phát triển kinh tế tiếp theo cho gia đình.
Ông Dũng nhớ lại, năm 2005 với số tiền tích lũy được và vay thêm 10 triệu đồng từ Agribank Đại Lộc, ông đã đầu tư hơn 20 triệu đồng cho mô hình chăn nuôi lợn, ban đầu do nguồn vốn ít nên anh chỉ nuôi khoảng 10 con lợn thịt, ngoài ra còn chăn nuôi thêm gà, vịt.
Trước đây, trang trại chăn nuôi lợn của ông Dũng mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 300 con lợn thịt. Nhưng hiện nay, do giá thức ăn gia súc tăng cao nên ngành chăn nuôi gặp khó khăn, lãi không cao, ông chỉ duy trì đàn lợn khoảng 50 con/lứa (mỗi năm 3 lứa).
Ông Dũng cho biết thêm, hiện nay ông đang tập trung vào mảng buôn bán vật tư nông nghiệp và thu mua hàng nông sản (chủ yếu là lúa), mỗi vụ ông thu mua hơn 300 tấn lúa cho người dân trên địa bàn. Việc thu mua lúa gạo giúp ông tự chủ nguồn thức ăn cho lợn, ngoài ra ông còn xay gạo bán cho chủ các lò sản xuất bánh tráng.
Ông Dũng chia sẻ, mô hình kinh tế tổng hợp gồm chăn nuôi lợn thịt, bán vật tư nông nghiệp, thu mua hàng nông sản đã giúp cho gia đình ông lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Nhờ đó, vợ chồng ông đã thoát khỏi cảnh khó khăn, có nguồn thu nhập ổn định để nuôi con cái ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang.
Sau nhiều lần vay trả, đến nay tổng dư nợ của ông Dũng là 2 tỷ đồng, việc được Agribank "hậu thuẫn" đã giúp cho ông Dũng không còn cảnh lo sợ thiếu vốn, nhất là vào các vụ mùa. Được biết, ngoài làm kinh tế giỏi, ông Dũng còn giải quyết việc làm cho 5 lao động thời vụ tại địa phương.
Sát cánh cùng "tam nông"
Ông Trương Hữu Mai - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đại Lộc cho hay, thấu hiểu những khó khăn và nhu cầu cần vay vốn làm ăn của hội viên nông dân, hàng năm, Hội Nông dân huyện đã tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân.
Đặc biệt, từ năm 2019, Hội Nông dân huyện Đại Lộc đã ký kết ủy thác với Agribank Đại Lộc, các cấp Hội phối hợp với chính quyền địa phương thành lập tổ vay vốn trên cơ sở các chi, tổ Hội Nông dân theo đúng hướng dẫn quy định. Sau khi người vay tiếp cận được nguồn vốn, các cấp Hội tổ chức giám sát để hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hướng dẫn họ làm ăn vươn lên thoát nghèo.
Đến ngày 30/9/2024, dư nợ cho vay qua tổ Hội Nông dân tại địa bàn huyện Đại Lộc đạt 83,9 tỷ đồng, tăng 48,7 tỷ đồng so năm 2019 (lúc mới triển khai). Có tổng số 35 tổ vay vốn với 855 hội viên có dư nợ, bình quân mỗi tổ quản lý 25 thành viên với mức dư nợ 2,4 tỷ đồng.
Việc triển khai cho vay qua tổ đã tạo thuận lợi cho bà con nhân dân, đặc biệt là hội viên tiếp cận nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển kinh tế, qua đó góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Từ đầu năm đến ngày 30/9/2024, Hội Nông dân huyện Đại Lộc đã phối hợp với Agribank Đại Lộc giải ngân 10,2 tỷ đồng cho 92 hội viên nông dân vay vốn.
Ông Lê Đăng Tuấn - Giám đốc Agribank Đại Lộc cho biết: Để đáp ứng nhu cầu vốn cho hội viên nông dân, Agribank Đại Lộc đã phối hợp với Hội Nông dân huyện, chính quyền các xã, các hội, đoàn thể trên địa bàn lập danh sách hội viên có nhu cầu vay vốn, phân công cán bộ phụ trách địa bàn nhanh chóng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho bà con.
Thời gian qua, Agribank Đại Lộc đã ký kết hợp tác toàn diện cung cấp dịch vụ tài chính với Hội Nông dân huyện Đại Lộc, cung cấp các gói vay cho hội viên. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn kịp thời, giúp bà con nông dân xây dựng các mô hình kinh tế, đầu tư nguyên liệu, máy móc sản xuất, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ nguồn vốn vay này mà nhiều hội viên nông dân đã "ăn nên làm ra", vươn lên làm giàu chính đáng.
"Là ngân hàng chủ lực trên lĩnh vực "Tam nông", Agribank nói chung và Agribank Đại Lộc nói riêng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là thị trường trọng tâm, nông dân là người bạn đồng hành. Từ đường hướng đó, Agribank Đại Lộc đã tăng cường xây dựng và mở rộng mạng lưới nhằm giúp các khách hàng nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn huyện tiếp cận nguồn vốn, các dịch vụ nhanh chóng, dễ dàng...", ông Tuấn chia sẻ.