Quảng Ngãi: Tiền thu ngân sách từ sử dụng đất mới đạt khoảng 404/3.100 tỷ đồng
Sáng 7/6, theo thông tin mà PV Etime được cung cấp, tình hình kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi trong tháng 5/2022, tiếp tục có sự phát triển khá, với tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.033 tỷ đồng; lũy kế thu 5 tháng đạt 14.332 tỷ đồng, tăng 56,2% so với cùng kỳ và bằng 59% dự toán năm.
Trong đó nguồn thu nội địa đạt 8.782 tỷ đồng, tăng 61,7%; xuất nhập khẩu đạt 5.522 tỷ đồng, tăng 47,7%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,99%, so với tháng 4 và tăng 2,09% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,03%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 190 triệu USD, tăng 1% so với tháng trước; tăng 51% so với cùng kỳ, lũy kế 5 tháng ước đạt 923 triệu USD, tăng 31%...
Trong tháng 5/2022, có 1 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký 500.000 USD; số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 82 doanh nghiệp, tăng 26,1% so với cùng kỳ, lũy kế 5 tháng tăng 18,8%.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của tỉnh Quảng Ngãi đứng vị trí 39/63 tỉnh, thành (tăng 24 bậc so với năm 2020); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 43/63 tỉnh, thành (tăng 19 bậc so với năm 2020).
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, còn một số hạn chế, khó khăn cần phải khắc phục trong thời gian đến.
Trong đó đáng chú ý là nguồn thu ngân sách từ sử dụng đất còn thấp, với số tiền từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ đạt được hơn 404 tỷ đồng/3.100 tỷ đồng so với kế hoạch; nguồn thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước hiện tại trên hệ thống là 0 đồng (năm 2022 giao 200 tỷ đồng).
Giải ngân vốn đầu tư công đến cuối tháng 5/2022 bằng 22,6% kế hoạch vốn đã phân khai. Con số này tuy đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước (ước 22,37%), nhưng so với kế hoạch của tỉnh còn thấp.
Một vấn đề tồn tại khác, đó là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI ) năm 2021 của Quảng Ngãi đứng vị trí thứ 45/63 tỉnh, thành; giảm 9 bậc so với năm 2020.
Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 đứng vị trí thứ 53/63 tỉnh, thành (tăng 06 bậc so với năm 2020); tuy nhiên điểm số đạt (8.45 điểm), thấp hơn điểm số trung bình chung của cả nước 8.72.