Quy mô GDP tăng gần 1,3 triệu tỷ sau khi đánh giá lại
Theo đánh giá, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%; tương ứng tăng 935.000 tỷ đồng/năm. Trong khoảng thời gian này, năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất (27,3%) và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất (23,8%).
Năm 2017, quy mô GDP sau đánh giá lại đạt 6.294.000 tỷ đồng (số đã công bố trước đây là 5.006.000 tỷ đồng).
Trong các khu vực kinh tế, dịch vụ có mức tăng cao nhất sau khi đánh giá lại khi thêm 316.000 - 615.000 tỷ đồng mỗi năm. Khu vực công nghiệp và xây dựng bình quân năm tăng 211.000 - 555.000 tỷ đồng, còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thêm 25.000 - 46.000 tỷ đồng.
"Cơ cấu GDP thay đổi đã phản ánh rõ hơn xu hướng chuyển dịch của nền kinh tế", Tổng cục Thống kê nhận định.
Theo đó, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2017 so với công bố, cơ cấu giá trị tăng thêm của khu vực nông - lâm - thuỷ sản trong GDP giảm từ 17,4% xuống còn 14,7% (giảm 2,7 điểm phần trăm); khu vực công nghiệp – xây dựng tăng từ 33% lên 34,8%; khu vực dịch vụ tăng từ 39,2% lên 41,2%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng về quy mô so với số đã công bố, nhưng cơ cấu trong GDP lại giảm từ 10,4% xuống 9,3% bình quân cả giai đoạn.
Tuy nhiên, vẫn theo cơ quan thống kê quốc gia, tốc độ tăng GDP hàng năm không có biến động lớn so với số đã công bố.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, đánh giá lại GDP đã nhận diện 5 nhóm nguyên nhân, trong đó có 4 nhóm làm tăng GDP, còn một nhóm có tác động giảm. Tác động lớn nhất là việc bổ sung thông tin từ tổng điều tra, làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng thêm 589.000 tỷ đồng, chiếm 63% mức tăng. Đứng thứ hai là bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính, giúp GDP tăng bình quân 305.000 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2010-2017, chiếm 32,6% mức tăng bình quân.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm thì việc đánh giá lại quy mô GDP lúc này là đúng thời điểm nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế. Đặc biệt, tính đến yêu cầu phục vụ công tác xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Qua đó, giúp các cấp thẩm quyền đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước.
"Hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như: Mỹ, Trung Quốc, Canada, Đức, Nga, Italy, Indonesia... đã tiến hành điều chỉnh, công bố lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan".