Reuters tung "bằng chứng thép" Huawei qua mặt Mỹ bán linh kiện cấm cho Iran

Reuters công bố bằng chứng Huawei vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt lên Iran
Các tài liệu mà Reuters đề cập đến liên quan trực tiếp đến một dự án viễn thông trị giá hàng triệu USD ở Iran. Nó cung cấp những tình tiết mới làm rõ vai trò của Huawei trong việc cung cấp cho các nhà mạng viễn thông Iran những thiết bị chuyển mạch, linh kiện máy tính và nhiều thiết bị khác do HP cũng như nhiều công ty Mỹ bao gồm Microsoft Corp, Symantec Corp và Novell Inc sản xuất vào thời điểm đó bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ.
Một tài liệu bao gồm hai danh mục đóng gói hàng hóa xuất khẩu của Huawei vào ngày 12/12/2010 bao gồm hàng loạt thiết bị máy tính được gửi đến một nhà mạng Iran là MCI, theo một tài liệu nội bộ của Huawei mà Reuters xem xét mới đây. MCI là công ty con của TCI - công ty viễn thông di động Iran. Số thiết bị này ước tính trị giá hơn 1,3 triệu EUR.
Một tài liệu khác của Huawei vào hai tháng sau, tức khoảng tháng 2/2011 cho hay các lô hàng thiết bị đã được chuyển đến Tehran và đang chờ thông quan. Nó cũng cung cấp thông tin chi tiết về 340 chuyến vận chuyển linh kiện đến các thành phố lớn của Iran như Tehran, Shiraz và Mashhad.
Danh mục đóng gói hàng hóa và các tài liệu nội bộ này là bằng chứng mạnh mẽ nhất phản ánh sự vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt lên Iran.
Sự việc bắt nguồn từ giai đoạn 2009-2014, Mỹ đã nghi ngờ Huawei núp bóng công ty Skycom của Hồng Kông để thực hiện hàng loạt giao dịch buôn bán thiết bị máy tính, viễn thông với Iran bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ. Một số sản phẩm của Huawei sử dụng bộ vi xử lý và linh kiện của Mỹ, do đó thuộc diện cấm xuất khẩu sang Iran.
Một số ngân hàng như HSBC khi đó đã yêu cẩu Huawei giải trình về mối liên hệ với Skycom, như giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của Huawei khi đó khẳng định Huawei không còn liên hệ gì với Skycom. Tuy nhiên, nhóm giám sát tại HSBC sau đó đã phát hiện ra hàng loạt giao dịch đáng ngờ qua tài khoản Huawei, đồng thời báo cáo lên các công tố viên Mỹ khi những nhân viên Skycom vẫn sử dụng địa chỉ email có tên miền Huawei, tiêu đều văn bản và thẻ nhân viên đều có logo Huawei. Nhiều bằng chứng chỉ ra Skycom thực chất là công ty con của Huawei nhưng bị hãng này che giấu để thực hiện hàng loạt giao dịch với Iran.
Ngoài ra, các hồ sơ mới mà Reuters có được cũng cho thấy một công ty khác của Trung Quốc là Panda International Technology co tham gia vào việc mua linh kiện phần mềm, phần cứng để bán cho Iran. Panda từ lâu đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài với Huawei và được kiểm soát bởi một tổng công ty nhà nước Trung Quốc.
Tháng 12/2018, Mỹ đã yêu cầu Canada bắt giữ khẩn cấp CFO của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vì những cáo buộc liên quan đến vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Iran. Một bản cáo trạng của phía Mỹ đã buộc tội bà Mạnh Vãn Châu và Huawei tham gia vào một kế hoạch lừa đảo để xuất khẩu công nghệ, hàng hóa Mỹ sang Iran và chuyển tiền ra khỏi Iran bằng cách lừa dối các ngân hàng và tổ chức tài chính.
Lâu nay, Nhà Trắng đang nỗ lực thuyết phục các đồng minh ngừng sử dụng thiết bị viễn thông sản xuất bởi Huawei trong cơ sở hạ tầng mạng 5G để tránh những rủi ro cho an ninh quốc gia. Thông điệp này có vẻ không được chào đón, bằng chứng là Anh, Pháp và Arab Saudi đã tuyên bố sẽ cho phép Huawei tham gia dự án phủ sóng 5G tại các quốc gia này bất chấp sự thất vọng từ Washington. Nhưng giờ đây, những bằng chứng sắc bén về rủi ro an ninh quốc gia mà Huawei mang lại có thể sẽ khiến nhiều quốc gia đang phân vân như Đức hay Canada nghĩ lại về việc nên hay không “cấm cửa” Huawei.
Phát ngôn viên của Huawei hiện phủ nhận mọi tài liệu của Reuters, tuyên bố Huawei cam kết tuân thủ mọi quy luật hiện hành tại các quốc gia và vùng lãnh thổ mà nó hoạt động, bao gồm các quy định kiểm soát xuất khẩu của Liên Hợp Quốc, Mỹ và EU.