Vì đâu các đồng minh Mỹ "quay lưng" với Donald Trump trong cuộc tẩy chay Huawei?
Khi mạng viễn thông 5G sắp được phủ sóng toàn cầu, Mỹ đang tăng cường cảnh báo đồng minh loại bỏ Huawei khỏi dự án xây dựng mạng 5G quốc gia hoặc sẽ bị Mỹ cắt chia sẻ thông tin tình báo. Thông điệp này được đưa ra bởi những quan chức cấp cao lưỡng đảng Mỹ, từ Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Giám đốc FBI Christopher Wray, và đôi khi, chính Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lời kêu gọi mà chính quyền Trump đưa ra khá đơn giản: các chính phủ không nên để thiết bị Huawei có mặt trong việc lắp đặt cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia, do hàng loạt rủi ro an ninh như bảo mật dữ liệu, gián điệp cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, Anh, Pháp và Arab Saudi, những đồng minh của Mỹ đều tuyên bố họ sẽ cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G, dù là cung cấp thiết bị viễn thông không cốt lõi. Đức và Canada cũng đang cân nhắc những lựa chọn như vậy.
Câu hỏi được đưa ra là vì sao các đồng minh Mỹ đi ngược lại thông điệp của chính quyền Trump?
Lo sợ Bắc Kinh trả đũa
Một lý do được các nhà phân tích chỉ ra là những quốc gia này quan ngại phải đối mặt với những biện pháp trả đũa kinh tế từ Bắc Kinh. Dễ thấy, thiệt hại có thể lường trước từ sự trả đũa của Bắc Kinh sẽ lớn hơn nhiều nguy cơ an ninh quốc gia bị xâm phạm.
Quyết định của Vương quốc Anh gây tranh cãi nhất, bởi các quan chức an ninh cấp cao nước này từng kết luận thiết bị viễn thông Huawei không đáng tin cậy, có khả năng gây rủi ro an ninh quốc gia. Nhưng trong bối cảnh Anh ly khai EU, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson thậm chí còn gặp áp lực hơn khi kiềm chế dòng đầu tư của Bắc Kinh so với thời Cựu Thủ tướng David Cameron. Ông Boris Johnson đã phải nhận nhiều chỉ trích bởi chính các thành viên trong chính đảng của mình vì quyết định cho phép Huawei cung cấp khoảng 5% cơ sở hạ tầng mạng 5G tại Anh.
Hồi tháng 11/2019, Pháp cũng tuyên bố không cấm Huawei đặt chân vào thị trường 5G nước này sau khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris đưa ra thông điệp: “Chúng tôi không muốn thấy sự phát triển của các công ty Châu Âu tại Trung Quốc bị ảnh hưởng do chủ nghĩa bảo hộ ở Pháp và các nước EU cũng như việc Huawei bị phân biệt đối xử”. Đại sứ của Bắc Kinh tại Đức hồi tháng 12/2019 cũng đưa ra thông điệp tương tự, rằng Trung Quốc có thể sẽ trả đũa lên các công ty Châu Âu đang hoạt động tại Trung Quốc nếu Đức cấm cửa Huawei.
Canada thì ở vai trò khó khăn hơn để đưa ra quyết định. Năm 2018, nước này đã bắt giữ CFO Huawei Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ. Mỹ đã truy tố bà Mạnh Vãn Châu vì hàng loạt cáo buộc lừa đảo ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Iran. Trung Quốc sau đó bắt giữ hai công dân Canada để trả đũa cho những gì Ottawa đã làm. Giờ đây, thật khó để Canada đưa ra lựa chọn làm hài lòng Mỹ mà không vướng phải sự trả đũa kinh tế từ Bắc Kinh.
Dù những mối đe dọa từ Bắc Kinh là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến quyết định của nhiều chính phủ, không ai trong số các quốc gia đề cập đến điều này. Đa số viện dẫn mức giá cạnh tranh của các thiết bị mạng Huawei là lý do hãng này không bị cấm cửa. Thực tế, các đối thủ cạnh tranh của Huawei như Nokia và Ericsson chào bán sản phẩm với mức giá cao hơn hẳn.
Chính Tổng thống Donald Trump là một nguyên nhân
Các nhà phân tích chỉ ra một lý do khác khiến các đồng minh Mỹ đi ngược lại thông điệp của Nhà Trắng là chính Tổng thống Donald Trump. Khi Trump liên tục đưa ra những chính sách thương mại cứng rắn với các đối tác thương mại từ Trung Quốc đến EU, một làn sóng “anti Trump” dường như đang lan rộng. Ví như Pháp từng nhiều lần tuyên bố không khuất phục trước áp lực của Trump, nhất là sau khi nước này áp đặt thuế kỹ thuật số khiến nhiều gã khổng lồ công nghệ Mỹ mất hàng tỷ USD.
Một lý do khác, là các quốc gia này có thể lo lắng liệu Huawei có phải chỉ là một quân cờ, một đòn bẩy trên bàn đàm phán Mỹ Trung. Và rằng những cáo buộc với Huawei có biến mất khi Mỹ giành được lợi thế trong bản thỏa thuận thương mại Mỹ Trung cuối cùng? Minh chứng là hồi tháng 11/2019, Trump từng tuyên bố sẽ thảo luận vấn đề Huawei trong giai đoạn 2 các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.