Sân bay Nội Bài sẽ tạm đóng một đường lăn xuống cấp nghiêm trọng
Đường lăn sân bay Nội Bài bị xuống cấp.
Để đảm bảo an toàn và các hoạt động bay, Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Nội Bài đề xuất Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận phương án đóng cửa đường cất hạ cánh 11L/29R và đường lăn S3 từ 0h ngày 9/9 đến 7h ngày 10/9 tới để sửa chữa hư hỏng bê tông nhựa trên đường lăn S3, đoạn tiếp giáp với đường cất hạ cánh 11l/29R.
Việc đóng đường lăn xuống cấp để sửa chữa ảnh hưởng tới các chuyến bay đang khai thác tại sân bay Nội Bài. Do đó, trong khung giờ cao điểm từ 9 - 14h trong các ngày đường lăn bị đóng các hãng hàng không đang khai thác khoảng 40 chuyến/giờ sẽ bị điều chỉnh.
Trong đó, Vietnam Airlines khai thác 18 chuyến/giờ, Vietjet 6 chuyến/giờ, Jetstar Pacific 3 chuyến /giờ và Bamboo Airways 2 chuyến/giờ, còn lại là các chuyến bay của hãng hàng không nước ngoài. Các hãng cũng đã cam kết sẽ điều chỉnh, tiết giảm các chuyến bay trong khung giờ cao điểm để phục vụ việc thi công.
Theo lãnh đạo sân bay Nội Bài, khu vực đường lăn có kết cấu bê tông nhựa đang xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, đường lăn S3 dù đã được sửa chữa và mới đưa vào khai thác tháng 8/2018. Tuy nhiên, đến nay tiếp tục bị hư hỏng trở lại do nền yếu và phùi bùn lên trên bề mặt, khu vực đường lăn có kết cấu bê tông xi măng thường xuyên bị nứt vỡ.
Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt về việc khắc phục sửa chữa đường lăn tại sân bay Nội Bài, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết: “Việc đường cất/hạ cánh, đường lăn, cả sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất xuất hiện các vết nứt, xuống cấp đã có từ lâu. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế nên ACV không thể thực hiện nâng cấp sửa chữa được”.
“Hiện nay, ACV đã báo cáo Bộ GTVT về tình trạng trên, đường cất/hạ cánh, đường lăn đều là tải sản của Nhà nước, ACV chỉ quản lý, khai khu nhà ga Cảng hàng không. Vì vậy, việc sửa chữa, nâng cấp đều do Bộ GTVT”, ông Phiệt cho hay.
Được biết, sản lượng bay tại sân bay Nội Bài trong 3 năm qua đã tăng bình quân 11%/năm, có thời điểm số chuyến bay cất hạ cánh lên tới 42 chuyến/giờ so với năng lực khai thác là 37 chuyến/giờ.
Tần suất khai thác tăng và các tàu bay có tải trọng lớn gia tăng dẫn đến hạ tầng khu bay ngày càng xuống cấp, mức độ hư hỏng cũng như mật độ và phạm vi hư hỏng ngày càng tăng.
Theo báo cáo của ACV, hiện tại, bề mặt đường cất hạ cánh 1A đã xuất hiện hiện tượng hằn vệt bánh tàu bay theo vệt càng. Hai vệt bánh tàu bay mỗi vệt hằn rộng 1m, trên đường cất hạ cánh này còn có hiện tượng nứt dọc tim kiểu rạn chân chim… Đường cất hạ cánh 1B thường xuyên xuất hiện hư hỏng như nứt vỡ, phùi bùn. Một số tấm bê tông xi măng có hiện tượng bị lún, cá biệt có những vị trí độ lệch giữa khe 2 tấm bê tông xi măng lên tới 3cm.