Sáng nay, Thủ tướng đối thoại với hơn 1.000 doanh nghiệp

23/12/2019 06:17 GMT+7
Lần thứ ba từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, giải đáp các thắc mắc, trực tiếp tháo gỡ khó khăn.

Hội nghị "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp hội nhập, hiệu quả, bền vững" diễn ra vào sáng nay (23/12), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia sẽ là màn đối thoại giữa các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng với các cộng đồng doanh nghiệp trong việc đảm bảo môi trường đầu kinh doanh an toàn và thuận lợi, các chính sách, chương trình, hành động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Sáng nay, Thủ tướng đối thoại với hơn 1.000 doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối thoại cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào sáng 23/12.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tổ chức, đây cũng là dịp để Thủ tướng lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế đề xuất các giải pháp và cam kết nỗ lực cùng Chính phủ thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao liên tục trong 5 năm gần đây. Trung bình giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có trên 126 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.

Năm 2019, dự kiến đạt 136 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn doanh nghiệp.

Chuyển dịch cơ cấu quy mô doanh nghiệp theo hướng tích cực, tỷ trọng các doanh nghiệp quy mô vừa có xu hướng tăng trong khi tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm, tạo tiền đề hình thành lực lượng doanh nghiệp Việt Nam có vai trò dẫn dắt.

Không thể phủ nhận tình hình phát triển doanh nghiệp thời gian qua đã có những điểm sáng ấn tượng song sự phát triển khu vực này vẫn chưa bền vững và hiệu qủa.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó: năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng đầu năm 2019 là 49,4%.

Mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực trong 2-3 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với cấu trúc tại các nền kinh tế khác có khu vực doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Hiện tượng này dẫn tới sự mất cân đối trong cấu trúc các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng cũng có không ít rủi ro và thách thức. Bên cạnh đó những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp.

Do đó, Hội nghị là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan Bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhìn lại, đánh giá tình hình phát triển của khu vực doanh nghiệp thời gian qua về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất, giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn nữa.

Đại diện Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, thông qua Hội nghị, Chính phủ thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần đoàn kết, biến lòng tự hào dân tộc thành sức mạnh để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tiến lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; đồng thời tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, cùng nhau tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường.

Cuối tháng 4/2016, chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lần đầu đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Cuộc đối thoại diễn ra tại TP.HCM, kéo dài từ sáng đến 13h30 chiều.

Khi đó, Thủ tướng đã ghi nhận nhiều phát biểu tâm huyết, đóng góp giải pháp của hàng trăm doanh nhân trên cả nước.

Một năm sau, hội nghị lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội. Ngay tại hội nghị, Thủ tướng đã ký chỉ thị yêu cầu không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng.

An Vũ
Cùng chuyên mục