SCIC xin giữ vốn để đầu tư vào dự án trọng điểm

19/01/2024 15:57 GMT+7
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đề nghị được giữ lại nguồn lực từ thoái vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư vào những dự án trọng điểm, những lĩnh vực ưu tiên.

Theo SCIC, việc này phù hợp với việc chuyển đổi theo mô hình quỹ đầu tư Chính phủ đặt ra cho SCIC thời gian tới.

Tại Hội nghị Công bố và triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và Kế hoạch kinh doanh, Kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới đây, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho rằng, SCIC hiện không có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, số lượng/giá trị doanh nghiệp tiếp nhận thời gian qua không lớn.

SCIC xin giữ vốn để đầu tư vào dự án trọng điểm- Ảnh 1.

SCIC

Về kết quả kinh doanh trong năm 2023, tổng doanh thu lũy kế đến 31/12/2023 của SCIC ước đạt 6.916 tỷ đồng, bằng 104% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, doanh thu cổ tức ước đạt 5.378 tỷ đồng, bằng 133% kế hoạch 2023, lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.695 tỷ đồng, bằng 230% kế hoạch năm 2023, lợi nhuận sau thuế đạt 6.432 tỷ đồng, bằng 221% kế hoạch năm 2023.

Về công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã tiếp nhận 1 doanh nghiệp (Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP) với vốn nhà nước là 1.540 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 2.370 tỷ đồng. Trong năm 2023 SCIC đã và đang triển khai nghiên cứu đầu tư 10 dự án, với số vốn giải ngân dự kiến khoảng 20.452 tỷ đồng.

"Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025" đã được Chính phủ phê duyệt tháng 11/2023. Theo kế hoạch phát triển, mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 5 năm (giai đoạn từ 2021 đến 2025) được SCIC đặt ra bao gồm: doanh thu hằng năm đạt 9.400 tỷ đồng/năm; lợi nhuận sau thuế bình quân hàng năm đạt 6.700 tỷ đồng/năm; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân mỗi năm đạt 10% và tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) bình quân hàng năm đạt 9,6%. Bình quân mỗi năm, SCIC sẽ nộp ngân sách Nhà nước 5.400 tỷ đồng/năm và phấn đấu tổng số giải ngân đầu tư chung của cả giai đoạn đến năm 2025 sẽ đạt 36.300 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo (từ 2026 đến 2030), SCIC đặt mục tiêu tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, ưu tiên đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả, những lĩnh vực then chốt, trọng yếu mà Nhà nước cần nắm giữ và SCIC có lợi thế, tạo ra sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư và phát triển.

SCIC cũng đặt ra mục tiêu từng bước nghiên cứu chuyển đổi hoạt động theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp và hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ là nhà đầu tư của Chính phủ từ sau 2025.

Hiện SCIC đã tiếp nhận 1.080 doanh nghiệp (bao gồm 25 tập đoàn, tổng công ty) với tổng vốn nhà nước hơn 32.339 tỷ đồng. SCIC cũng bán thành công tại 1.054 doanh nghiệp, tổng giá trị thu về cho Nhà nước gần 51.700 tỷ đồng, ngoài ra còn sắp xếp, cổ phần hóa hơn 33 doanh nghiệp khác.

SCIC đã tạo ra tổng doanh thu 110.400 tỷ đồng, tổng lợi nhuận hơn 85.800 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 92.200 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân trong cả giai đoạn đạt 13%/năm.

Theo SCIC, tính đến thời điểm này, danh mục của SCIC còn 113 doanh nghiệp, ngoại trừ 12 doanh nghiệp nắm giữ theo dự thảo Đề án cơ cấu lại SCIC, phần lớn còn lại là những doanh nghiệp kém hiệu quả, khó bán vốn. Trong đó, 37 doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; 34 doanh nghiệp, gồm các doanh nghiệp thuộc diện giải thể phá sản, ngừng hoạt động, tỷ lệ sở hữu nhỏ, kinh doanh khó khăn… (có một số doanh nghiệp đã bán vốn 6 lần trở lên không thành công); 24 doanh nghiệp phải giải quyết các vướng mắc về pháp lý, công nợ, quyết toán vốn lần 2 mới đủ điều kiện bán vốn; 04 doanh nghiệp thuộc Thông báo số 281. Trong số này, chỉ có thể triển khai bán vốn khả thi đối với 09 doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch SCIC, một số quốc gia có quy mô GDP tương đương như Việt Nam (khoảng 450 tỷ USD) nhưng đang quản lý các quỹ có quy mô lên tới hàng nghìn tỷ USD. Trong khi đó, quỹ đầu tư của SCIC chỉ khoảng 8 tỷ USD, quá nhỏ bé so với kỳ vọng và mục tiêu trở thành nhà đầu tư Chính phủ.

Cùng với đó, SCIC cũng mong muốn Chính phủ cho phép thực hiện tăng vốn để SCIC tham gia sâu hơn vào quản trị các doanh nghiệp địa phương nhằm thực hiện sứ mệnh "quốc gia hóa", "quốc tế hóa" những doanh nghiệp có tiềm năng và triển vọng như Becamex Bình Dương, Sonadezi…

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2019-2023, một số hoạt động của SCIC có những bước phát triển, bứt phá. Theo đó, giá trị tiếp nhận là 17.500 tỷ đồng, chiếm 54% từ khi thành lập; tổng doanh thu đạt 39.540 tỷ đồng, chiếm 36% từ khi thành lập; tổng nộp NSNN đạt 37.400 tỷ đồng. chiếm 41% từ khi thành lập; tổng giá trị giải ngân 9.568 tỷ đồng, chiếm 25% từ khi thành lập...

Theo ông Nguyễn Chí Thành, danh mục hiện nay của SCIC không còn nhiều doanh nghiệp hiệu quả (số lượng/giá trị doanh nghiệp tiếp nhận cũng không lớn), giai đoạn tái cơ cấu, bán vốn đã thực hiện được tương đối. SCIC cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư, chuyển đổi mô hình hoạt hộng thành tổ chức tài chính thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ. Lộ trình phát triển của SCIC cũng tương đối phù hợp với các tổ chức đầu tư chính phủ trên thế giới, như Temasek cũng cần khoảng 20 năm để tái cơ cấu doanh nghiệp, tích lũy vốn.

An Linh
Cùng chuyên mục