Sẽ có điều khoản chuyển tiếp đối với dịch vụ đòi nợ thuê
Gửi ý kiến đến Quốc hội, cử tri TP.HCM bày tỏ đồng tình về việc Quốc hội thông qua quy định cấm kinh doanh ngành nghề đòi nợ thuê.
Cử tri cho rằng, thời gian qua vấn nạn đòi nợ thuê không chỉ làm ảnh hưởng cho chính người vay nợ mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương và đặc biệt là lòng tin của người dân vào hệ thống tòa án dân sự và thi hành án dân sự.
Kiến nghị của cử tri là cần phải tăng cường cải cách thủ tục hành chính để tạo cơ sở, hành lang pháp lý nhằm củng cố xây dựng niềm tin pháp luật trong nhân dân, thông qua đối thoại giải thích pháp luật dân sự cho người dân trong việc đòi nợ.
Văn bản trả lời cử tri cho biết, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ngày 17/6/2020 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Một trong những điểm mới của Luật Đầu tư 2020 là việc bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6).
Trong thời gian qua, khung khổ pháp lý đã quy định các biện pháp để bảo vệ và giúp chủ nợ thu hồi khoản nợ và tiền lãi thông qua việc khởi kiện dân sự, tiến hành thu hồi đời nợ bằng con đường tố tụng bằng một bản án có hiệu lực của tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có hiện tượng chủ nợ tìm đến các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê để giải quyết.
Một trong những lý do tồn tại dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê là do để thực hiện đòi nợ theo con đường tố tụng thì người cho vay phải chờ đợi thời gian khá dài. Tính trung bình khi giải quyết một vụ án dân sự khoản từ 4-6 tháng ở giai đoạn sơ thẩm, nếu có phúc thẩm sẽ lại kéo dài hơn. Đến được bước thi hành án và thi hành xong bản án, thu hồi nợ cho chủ nợ thì cũng là cả một khoảng thời gian nữa. Cách thức đòi nợ này cũng tốn kém chi phí nhưng chưa chắc về khả năng thu hồi được toàn bộ số tiền cho vay và tiền lãi.
Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc đòi nợ, củng cố xây dựng niềm tin vào pháp luật trong nhân dân đòi hỏi các cơ quản quản lý nhà nước phải tích cực cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình tố tụng, thời gian giải quyết liên quan để các vụ án đòi nợ, góp phần giảm chi phí cho người dân trong quá trình đòi nợ theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật mới nhất liên quan đến việc thu hồi nợ, đòi nợ để người dân được biết và không thực hiện trái với các quy định pháp luật hiện hành.
Khoản 5 Điều 77 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phổ biến, hướng dẫn về nội dung này tại Luật Đầu tư 2020; đồng thời, xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, dự kiến sẽ quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với nội dung về dịch vụ đòi nợ nhằm tránh tình trạng lợi dụng việc đòi nợ trá hình dưới các hình thức xã hội đen, bảo kê...