Sốt đất hạ nhiệt: 'Ôm' đất chờ tăng giá hay thoát hàng để nhẹ nợ?

Trần Kháng Thứ ba, ngày 22/06/2021 06:53 AM (GMT+7)
Thị trường chững lại sau cơn "sốt đất" khiến nhiều nhà đầu tư đang "cân não" chọn phương án nên kiên trì giữ đất chờ tăng giá hay thoát hàng để "nhẹ nợ".
Bình luận 0

Thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro

Thị trường bất động sản vừa trải qua giai đoạn "sốt" nóng. Lãi suất tiền gửi thấp, dòng tiền nhàn rỗi trong dân và từ nhiều kênh khác đổ vào khiến giá đất tăng tăng vù vù khắp từ Bắc chí Nam.

Hiện tại, cơn sốt đất đã hạ nhiệt, thị trường chững lại. Dữ liệu vừa được Batdongsan.com.vn công bố cho thấy, trong tháng 5, dịch Covid-19 lần 4 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành khiến mức độ quan tâm đến bất động sản và lượng tin đăng giảm 7% và 3% so với tháng 4. Mức quan tâm giảm mạnh nhất ở loại hình đất nền (19%) và đất nền dự án (23%).

Đáng chú ý hơn, trong khi giá đất có dấu hiệu chững lại thì giá nhà vẫn ghi nhận tăng trên diện rộng. Mức giá này được giới chuyên môn dự báo vẫn sẽ tiếp tục leo cao trong thời gian tới.

Sốt đất hạ nhiệt: 'Ôm' đất chờ tăng giá hay thoát hàng để nhẹ nợ? - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng khẳng định, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần theo dõi. (ảnh T.K)

Điều này đang dấy lên mối lo ngại cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Trong khi đó, việc thiếu vắng kênh thông tin chính thống về thị trường vẫn đang là một thách thức.

Bộ Xây dựng mới đây cũng đưa ra nhận định, mặc dù hiện tượng sốt đất nền chỉ diễn ra ở quy mô cục bộ của từng khu vực, dự án nhưng cũng cho thấy dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của thị trường cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng lan rộng, mất kiểm soát, trở thành "bong bóng" bất động sản.

Đặc biệt, về quản lý nhà ở và thị trường bất động sản cũng được Bộ Xây dựng chỉ đạo là nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận mạnh, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, phải chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường bất động sản và kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và bền vững.

Thận trọng với đòn bẩy tài chính

Thực tế trên đang đẩy nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính vào thế cân não. Nên kiên trì giữ đất chờ giá tăng hay thoát hàng để "nhẹ nợ" đang là câu hỏi được không ít nhiều người đặt ra.

Chia sẻ với Dân Việt, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, với tình trạng an ninh thắt chặt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương, thị trường bất động sản thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng khi quyết định đầu tư bất động sản.

Sốt đất hạ nhiệt: 'Ôm' đất chờ tăng giá hay thoát hàng để nhẹ nợ? - Ảnh 3.

Những lô đất tiền tỷ tại một dự án nhà ở tỉnh Hải Dương đang để cỏ mọc gây lãng phí. (ảnh T.K)

Riêng đối với những sản phẩm tốt, đây là một cơ hội để minh chứng giá trị sản phẩm và tiềm lực của những nhà phát triển uy tín trên thị trường.

Song, đối với những sản phẩm không phù hợp, trong điều kiện kinh tế hiện tại, ông Khương cho rằng đây là một thời điểm khó để thị trường hấp thụ những sản phẩm này. Ngoài ra, vấn đề pháp lý của các dự án vẫn là câu chuyện kéo dài từ nhiều năm nay dẫn đến tình trạng nguồn cung sơ cấp trên thị trường bị hạn chế.

Vị chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên dành cho các nhà đầu tư cá nhân trong nửa cuối năm 2021. Theo đó, mỗi nhà đầu tư có nhu cầu khác nhau, kỳ vọng khác nhau, điều kiện tài chính khác nhau, nhưng đây vẫn là thời điểm tốt để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Tuy nhiên, vấn đề pháp lý, năng lực tài chính, cân đối quản trị rủi ro trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn vẫn là những yếu tố cần được cân nhắc khi quyết định đầu tư.

Ở diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa kêu gọi các ngân hàng thương mại tăng cường hoạt động kiểm soát rủi ro, thông báo đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát chặt tín dụng đổ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản.

Đây không phải lần đầu NHNN kiểm soát chặt thị trường bất động sản để giảm thiểu rủi ro. Trước đây, cơ quan này từng áp dụng những chính sách vĩ mô đảm bảo an toàn nhằm kiểm soát tín dụng chảy vào bất động sản, nhắm tới nhà đầu tư kinh doanh, không phải người vay mua nhà vì tỷ lệ thế chấp của Việt Nam còn khá thấp trong khu vực Đông Nam Á.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem