Nợ xấu, tồn kho bất động sản 'phình to' có đáng ngại?

13/06/2021 00:45 GMT+7
Tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường gặp khó khăn, trong khi nguồn vốn cho bất động sản ngày một thu hẹp, nên việc nợ xấu tăng nhanh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong quý I/2021, tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 3% so với cuối năm 2020, cao hơn không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế (2,93%).

Tính tổng chung, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chiếm 19,6% tổng dư nợ của nền kinh tế. Nguyên nhân là do lãi suất huy động giảm mạnh, các địa phương ban hành các bảng giá để tăng giá đất từ 15% đến 20%, thị trường vàng biến động, chứng khoán tăng cao… nên người dân đổ tiền vào bất động sản, đầu cơ lướt sóng.

Số liệu Tổng cục Thống kê trong năm 2020 cũng cho thấy, dư nợ đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tăng tới 21%, đạt 633.740 tỷ đồng.

Nợ xấu, tồn kho bất động sản 'phình to' có đáng ngại? - Ảnh 2.

Dư nợ bất động sản tăng cao. (ảnh M.K)

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng cho biết, tính đến hết quý I/2021, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch ước tính vào khoảng 3.300 căn. Theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường, trong khi tỷ lệ hấp thụ bất động sản nhà ở dần được cải thiện, thì lượng giao dịch và khả năng hấp thụ đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hạn chế.

Thực tế, một số doanh nghiệp bất động sản đang có lượng hàng tồn kho gia tăng đáng kể. Đơn cử như, tính đến hết quý I/2021, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) ghi nhận giá trị hàng tồn kho ở mức 1.977 tỷ đồng. Như vậy, lượng hàng tồn kho của TTC Land đang ở mức xấp xỉ phân nửa mức vốn chủ sở hữu.

Hay Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) khi kết thúc quý I/2021 đang ghi nhận lượng hàng tồn kho ở mức hơn 10.148,6 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với con số 10.251,6 tỷ đồng vào cuối năm 2020 và chiếm gần 52% tổng tài sản ngắn hạn.

Nợ xấu, tồn kho bất động sản 'phình to' có đáng ngại? - Ảnh 3.

Tồn kho bất động sản cũng tăng đáng kể. (ảnh M.K)

Theo nhận định chung của giới chuyên môn là dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp kéo dài khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, lãi suất gửi tiết kiệm lại giảm mạnh nên kinh doanh bất động sản trở thành một trong những kênh đầu tư thu hút vốn và khi dư nợ tăng thì nợ xấu cũng tăng theo.

Với tỷ lệ nợ xấu bất động sản trong quý I chiếm 1,85% nếu đặt trong bối cảnh nền kinh tăng trưởng ổn định thì không đáng ngại. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường gặp khó khăn, trong khi nguồn vốn cho bất động sản ngày một thu hẹp, nên việc nợ xấu tăng nhanh là điều dễ hiểu.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu đánh giá, các kênh huy động vốn trung và dài hạn từ thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư bất động sản, các quỹ đầu tư tín thác bất động sản chưa phát triển đầy đủ để đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường. Vì vậy, các dự án bất động sản vẫn phụ thuộc và dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng cùng nguồn vốn huy động từ khách hàng. Điều này khiến một số khoản vay tín dụng bất động sản có nhiều nguy cơ chuyển thành nợ xấu.

Về lượng hàng tồn kho bất động sản tăng cao, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cũng nhìn nhận, khi lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên không chỉ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, mà còn cả nền kinh tế. Điều đáng lo nhất là thị trường không chấp nhận hàng tồn kho của doanh nghiệp, bởi thường có vướng mắc về thủ tục pháp lý hoặc liên quan tới nợ xấu và an toàn tín dụng, cho nên dù ở góc độ nào cũng phải cảnh báo việc tồn kho bất động sản tăng cao.

Bên cạnh đó, việc con số cập nhật hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản hầu như mới chỉ thể hiện ở khối doanh nghiệp niêm yết, nếu mở rộng ra toàn thị trường thì chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều.

Minh Khôi
Cùng chuyên mục