Startup đầu tiên bán nông sản trên kênh trực tuyến- FoodMap được rót 500.000 USD

03/09/2020 11:17 GMT+7
Startup thương mại điện tử Foodmap tại Việt Nam vừa gọi vốn thành công 500.000 USD vòng hạt giống từ Wavemaker Partners. Đây là thương vụ đầu tiên tại Việt Nam của Wavemaker Partners.

Startup đầu tiên bán nông sản trên kênh trực tuyến

Website thương mại điện tử FoodMap chuyên cung cấp các sản phẩm liên quan đến nông sản an toàn thuộc Công ty cổ phần Công nghệ và Thương mại UFO (UFO Technology). CEO của sản thương mại điện tử này là Phạm Ngọc Anh Tùng.

Foodmap là cầu nối giữa nông dân và các nhà sản xuất nông nghiệp vừa và nhỏ, từ đó cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng cho phép truy xuất nguồn gốc.

Nhà sáng lập kiêm CEO Phạm Tùng được biến đến là giám đốc nông trại Cầu Đất Farm (Đà Lạt, Lâm Đồng), anh cũng đã có kinh nghiệm khởi nghiệp hơn 10 năm trong mảng nông nghiệp.

Đại diện Foodmap cho biết do nhu cầu về thực phẩm tươi tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội vì Covid-19, các sàn thương mại điện tử lớn phối hợp ra mắt mảng nông sản, thực phẩm tươi. 

Trong đó, Foodmap là một trong những startup Việt đầu tiên cung cấp sản phẩm nông nghiệp trên kênh trực tuyến, đã được cả Tiki và Lazada chọn hợp tác khi ra mắt mảng nông sản, thực phẩm tươi.

CEO cho biết thêm Foodmap đang phát triển với tốc độ 20%/tháng về số lượng người bán, chủng loại nông sản cũng như đơn đặt hàng. Foodmap hiện cung cấp các dòng nông sản từ trái cây, rau quả đến các mặt hàng thiết yếu hàng ngày bao gồm khoản mục đi chợ.

Startup đầu tiên bán nông sản trên kênh trực tuyến- FoodMap được rót 500.000 USD - Ảnh 1.

Một số sản phẩm trên Foodmap

Suốt năm 2019, đội ngũ nhân sự gần chục người của công ty tập trung giải bài toán con gà – quả trứng, tức sàn giao dịch muốn có nhiều người dùng thì phải có nhiều sản phẩm và ngược lại, ông Tùng nói thêm. Theo đó, dòng vốn mới từ Wavemaker Partners kỳ vọng giúp Foodmap mở rộng quy mô thông qua việc nâng cao nền tảng kỹ thuật cũng như xây dựng nhà kho.

"Chọn con đường khiến mình vui hơn"

Phạm Ngọc Anh Tùng sinh ra ở Huế, anh có nhiều sáng chế robot và các hệ thống tự động hóa trong mảng nông nghiệp.

Tùng từng là sinh viên lớp kỹ sư tài năng, Khoa Điện - điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Tuy nhiên khi đang là sinh viên năm thứ 3, anh tạm gác việc học để đi làm. Đến 14 quốc gia châu Á, châu Âu trong những chuyến học tập, công tác ngắn hạn; từng làm việc tại những tập đoàn lớn ở Việt Nam, nhưng sau tất cả, Tùng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Một con đường chông gai hơn, thử thách nhiều hơn.

"Tôi chọn con đường khiến mình thấy vui hơn, tự do hơn và tạo ra tác động tích cực lớn hơn cho xã hội. Foodmap đang đi từng bước vững chắc, vừa giải quyết các vấn đề ngắn hạn nhưng vẫn giữ được tinh thần và mục tiêu dài hạn của đội ngũ sáng lập đã đề ra", Tùng bộc bạch.

Startup đầu tiên bán nông sản trên kênh trực tuyến- FoodMap được rót 500.000 USD - Ảnh 2.

Nhà sáng lập kiêm CEO Phạm Tùng.

Mô hình FoodMap là "From farm to table: two sides - one chain - one platform" (đưa đặc sản từ vườn tới thẳng bàn ăn, bớt trung gian, để người nông dân và người tiêu dùng đều có lợi nhất). Trong bối cảnh câu chuyện đưa trái cây, rau quả Việt lên sàn thương mại điện tử vẫn còn mới, còn nhiều điều phải làm tại Việt Nam, thông qua nền tảng này, sợi dây kết nối giữa hai đầu sản xuất và tiêu dùng được thắt chặt gần nhau hơn. Mong muốn của nhà sáng lập là cắt bớt các khâu trung gian và xây dựng một sàn nông sản đáng tin cậy cho người tiêu dùng với những thông tin minh bạch, rõ ràng.

Theo suy nghĩ của nhà sáng lập FoodMap, bài toán khó nhất của trong nông nghiệp Việt Nam không phải quy trình sản xuất, không phải là phân phối hay dư lượng chất bảo vệ thực vật trong nông sản… mà nằm trong 2 "key words" tối quan trọng: đầu ra.

"Nghĩa là phải bán được hàng cho nông dân, có đầu ra cho sản phẩm của họ. Nếu không giải quyết được đầu ra, mối quan hệ với người nông dân chỉ giống như lâu đài trên cát", anh Phạm Tùng chia sẻ.

Anh Tùng cũng chia sẻ, quan điểm của các thành viên FoodMap là không có Giải cứu nông sản. FoodMap và nhà sản xuất, người nông dân cùng mang lại những giá trị cho nhau và cùng nhau xây dựng những câu chuyện thật, sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng.

Tùng nói: "Mỗi chiến dịch được khởi động từ FoodMap là một câu chuyện thực tế, ý nghĩa giúp người tiêu dùng hiểu hơn về người nông dân, hiểu hơn sản phẩm họ sử dụng. Người tiêu dùng luôn mong muốn sử dụng những sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lí. Thế nên không có lí do gì mà nhà sản xuất chất lượng lại không bán được hàng. Vấn đề ở đây là cần một giải quyết bằng một phương pháp mới, linh hoạt và sáng tạo hơn".

Tùng chia sẻ và bật mí, FoodMap cũng đang xúc tiến để đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử quốc tế Amazon.

Nhà sáng lập FoodMap có sự tin tưởng lạc quan vào việc xuất khẩu nông sản có thương hiệu Việt trong tương lai và anh tin điều trên có cơ sở.

Việt Nam đang xuất khẩu nhiều sản phẩm thô. Và trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ chuyển sang xuất khẩu các sản phẩm có thương hiệu, có giá trị hơn. "Thương mại điện tử đang thuận tiện hơn. Nhiều người trẻ có kiến thức về công nghệ thông tin đang tham gia vào nông nghiệp hơn. Nông sản Việt đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới nhưng người ta không biết đó là sản phẩm từ Việt Nam. Và điều này sẽ dần thay đổi", anh Tùng chia sẻ.

Nhà sáng lập FoodMap tin rằng nông sản Việt sẽ đi xa hơn vì 4 yếu tố sau: việc truy xuất nguồn gốc đang được thực hiện và làm được tốt điều này, giá trị nông sản sẽ tăng lên; thị trường nội địa cho nông sản sẽ đi lên vì rõ ràng, người Việt đang nhận thấy những sản phẩm nông nghiệp trong nước rất tốt và muốn mua đồ trong nước; chính sách dành cho nông nghiệp sẽ cởi mở hơn.

Ngoài du lịch và IT thì nông nghiệp là ngành rất tiềm năng của Việt Nam; nguồn vốn dành cho nông nghiệp ngày càng nhiều, từ nguồn vốn trong nước đến FDI.

Nhị Hà
Cùng chuyên mục