Sữa giả, giá đỗ ngâm hoá chất được đưa vào báo cáo gửi Quốc hội
Theo đó, trình bày báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi đã nêu bốn vấn đề lớn, trong đó có thành tích nổi bật của Chính phủ về phát triển kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, cơ quan Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu một số vấn đề hạn chế, phát sinh gây bức xúc dư luận, đặc biệt là hàng giả, hàng độc hại, hàng gian.

Chủ nhiệm Phan Văn Mãi khẳng định: “Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các vụ việc liên quan đến sữa giả, thuốc giả và giá đỗ ngâm hóa chất, gây bức xúc xã hội và đe dọa sức khỏe cộng đồng”.
Tại báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế - Tài chính cho rằng: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, phải tiếp tục bám sát, phân tích kịp thời diễn biến kinh tế thế giới, chính sách của các nền kinh tế lớn, xu thế chuyển dịch toàn cầu để chủ động điều hành; đồng thời, củng cố nội lực, giữ vững ổn định vĩ mô, nâng cao sức chống chịu trong bối cảnh bất định.
Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và khai thác hiệu quả các động lực mới (chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số).
Trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, kịp thời phân bổ, giao vốn theo đúng kế hoạch. Xử lý triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, gắn với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ tăng trưởng; có giải pháp giảm chi phí vốn, thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích các ngân hàng chia sẻ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn; phát triển thị trường tài chính lành mạnh, đa dạng hóa các kênh huy động vốn; kiểm soát rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cuối năm.
Tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện các biện pháp hữu hiệu, cơ cấu lại thu, chi NSNN, nợ công, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội. Quản lý chặt chẽ chi NSNN, siết chặt hơn chi thường xuyên, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi có nguồn đảm bảo.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát hiệu quả; kiên quyết cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân; kiểm soát chặt chẽ chất lượng các quy định mới ban hành, bảo đảm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật; tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, đất đai, quy hoạch để khơi thông dòng vốn đầu tư tư nhân. Tập trung sửa đổi, bổ sung các luật, quy định pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư… để cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Uỷ ban Kinh tế - Tài chính đề xuất Chính phủ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết số 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc.
Về kiến nghị của Chính phủ trình Quốc hội, bổ sung dự toán NSTW năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy, Uỷ ban Kinh tế. Tài chính nhấn mạnh: Đa số ý kiến nhất trí việc trình Quốc hội xem xét, quyết định bố trí 44 nghìn tỷ đồng như phương án Chính phủ trình và giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể theo đúng quy định của Luật NSNN.
Tuy nhiên, về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của NSTW trong trường hợp đối với kinh phí phát sinh lớn hơn 44 nghìn tỷ đồng: Căn cứ khoản 2 Điều 55 Hiến pháp và khoản 2 Điều 8 Luật NSNN, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán đối với nhiệm vụ chi này. Trường hợp giữa hai kỳ họp, kiến nghị Quốc hội giao UBTVQH xem xét, quyết định. Trường hợp chưa rõ phương án phân bổ cụ thể, trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định, giao Chính phủ tổ chức thực hiện theo quy định Luật NSNN.
Về chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên NSTW năm 2024 chưa phân bổ sang năm 2025 để có nguồn thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy: nhất trí phương án Chính phủ trình. Đề nghị Chính phủ bố trí thực hiện nhiệm vụ chi theo đúng mục đích, đối tượng, chế độ, định mức theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; trường hợp kinh phí phát sinh lớn hơn số kinh phí được bố trí, đề nghị sử dụng kinh phí từ dự phòng NSTW và các nguồn kinh phí hợp pháp khác hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về việc cân đối, bố trí đạt 3% tổng chi NSNN năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: nhất trí về chủ trương bố trí đạt 3% tổng chi NSNN năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như Tờ trình của Chính phủ.
Trường hợp cần bố trí kinh phí từ nguồn điều chỉnh dự toán NSTW năm 2025 đã bố trí cho các nhiệm vụ nhưng chưa phân bổ từ đầu năm, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội theo đúng thẩm quyền.
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy, trong nhiều năm qua việc sử dụng, giải ngân nguồn NSNN cho khoa học, công nghệ là khá chậm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương bám sát định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, có giải pháp triển khai kịp thời và chịu trách nhiệm toàn diện về phân bổ, giải ngân, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực, bảo đảm không thất thoát, lãng phí.